Tác giả bài báo là ông Trọng Thăng viết trong sự bực dọc để tìm sự chia sẻ: “Sống ở Sài Gòn là sống giữa một đám đông gần 2 triệu người đủ nghề đủ nghiệp. Một ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ, trong đó đã mất đi mấy tiếng để ngủ lấy sức. Trong số giờ còn lại, dân Sài Gòn làm gì? Hay là cố gắng làm gì? Họ vừa phải đi làm, mua hàng, giải trí, học hỏi, chạy vạy, chen lấn lẫn nhau. Các tiệm kem ngày Chủ nhật hay vào buổi tối chật ních những người. Các tiệm xi nê, cải lương người bu đông nghẹt cửa mua vé (…)
“Đài phát thanh chỉ có một nhưng máy phát thanh đến muôn vàn, phần nhiều mở lớn ra cả, để nghe rõ hơn nhà bên cạnh hay để át tiếng xích lô máy băng qua nhà. Nhà mình nghe âm nhạc Tây, nhà họ nghe cải lương, nhà bên kia nghe tân nhạc. Thỉnh thoảng có tiếng bà mẹ mắng con thét lên đệm vào. Như thế, sống ở Sài Gòn có mệt không nhỉ? Hay là bạn thích sống ở một nơi nào đó với những điều kiện dễ dàng để đậu xe, để đi chân mà khỏi bị mỏi cổ (ở Sài Gòn bạn phải nơm nớp liếc tả liếc hữu, vì xe không biết ở đâu trờ tới, ngay cả trong lối một chiều)”.
Một góc TP.HCM hôm nay
Đọc xong đoạn này, tôi thầm nghĩ giá như ông Trọng Thăng chưa quy tiên và có thể “xuyên không” đến Sài Gòn-TP.HCM năm 2017 thì Sài Gòn 2 triệu dân của ông ngày đó, với những thứ bất tiện mà ông kêu ca, chưa là cái đinh gì so với TP.HCM 10 triệu người (số tròn) hôm nay.
TP.HCM hôm nay có giãn nở, có nhiều khu đô thị mới mọc lên để “chia lửa” với trung tâm, có nhiều đường, đại lộ để xe cộ có thể chạy lên, chạy xuống, chạy vô, chạy ra, chạy tới, chạy lui nhưng không phải là không có những “kiếp nạn” mà người Sài Gòn-TP.HCM phải trải qua. Kẹt xe của năm 1961 thì xá gì với kẹt xe của năm 2017 khi mà hơn 8 triệu xe lưu thông trên đường phố mỗi ngày. Mỗi cơn mưa, dân thành phố phải hứng chịu cảnh ngập lụt…
Thời ông sống có cảnh ngập lụt như bây giờ không hả ông Thăng? Than hoài vậy nhưng sao ông vẫn sống ở Sài Gòn?
Thì đây, ông cho biết: “Tiến về quê thì khó còn “Sài Gòn tiến” thì dễ hơn nhiều. Sài Gòn thở bằng mùi ét xăng không trong bằng không khí đồng quê được nhưng Sài Gòn cũng có mùi sách mới xuất bản giấy thơm phức. Sài Gòn ồn thật, không có tiếng dế kêu nhưng lại có tiếng đàn dương cầm trầm bổng của các nhạc sĩ quốc tế; Sài Gòn không có giọt sương mai lấp lánh trên ngọn cỏ in hình xuống bờ đê nhưng Sài Gòn có những nhà máy điện, những hãng thương mại tanh tách tiếng máy đánh chữ, bắt mạch cho đời sống đất nước…”.
Ôi, ông Trọng Thăng ơi, đó là điều mà nhiều người TP.HCM bây giờ dù phải chịu đựng trong cơn vật vã của kẹt xe, của ngập nước, của ô nhiễm không khí, ô nhiễm âm thanh nhưng họ vẫn chọn sống ở xứ này. Vì sao? Vì họ tin rằng TP.HCM vẫn còn là nơi đất lành, là nơi đầy ắp tình người; là nơi con người vẫn sống với nhau bằng truyền thống hào khí Đồng Nai-Gia Định: Sống chính trực, công bằng, nghĩa khí và lúc nào cũng muốn vươn lên, cũng muốn tiên phong đi về phía trước, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng…