Ký ức Sài Gòn xưa qua những bức ảnh

Chiều 3-11, tại Hội Nhiếp ảnh gia TP.HCM (122 Sương Nguyệt Anh, quận 1, TP.HCM) đã diễn ra buổi triển lãm ảnh “Sài Gòn, qua miền ký ức” với hơn 300 tác phẩm được trưng bày.  

Nhiều góc cạnh Sài Gòn - TP.HCM hiện lên qua 20 mảng nội dung như: Qua sông nhớ cầu, Cuộc sống nhập cư, Chợ bên đường, Cửa nhà phố xá lầu đài, Đình chùa thánh thất, Trăm năm di tích, Văn hóa đường phố, Sài Gòn báo chí, Thay cũ đổi mới, Sài Gòn sau thập niên 2000...

Nhiếp ảnh gia Tam Thái thực hiện buổi triển lãm với hơn 300 tác phẩm. Ảnh: THANH TUYỀN

Quá khứ - hiện tại - tương lai mà một dòng chảy không thể dứt rời, tác giả hy vọng qua gần 300 bức ảnh tư liệu nghệ thuật ít ỏi trưng bày về Sài Gòn - TP.HCM lần này được chụp trong gần nửa thế kỷ qua có thể góp một góc nhìn về sinh cảnh Sài Gòn - TP.HCM, thời mà các thế hệ cha anh đã cùng nhau vun đắp.

Nhiếp ảnh gia Tam Thái trò chuyện với người đến tham quan. Ảnh: THANH TUYỀN

Đông đảo mọi người đến buổi triển lãm. Ảnh: THANH TUYỀN

“Những bức ảnh trong triển lãm này không phải chụp những thứ xa xôi đỉnh cao mà chụp ngay trước mặt, nơi đã gắn kết cư dân qua bao thế hệ với cảm nhận của chính lòng mình chứ không phải bằng những hình tượng nghệ thuật cao siêu. Tôi chỉ là một thị dân thợ ảnh người trẻ hôm ấy, nay có thể nhìn thấy quá khứ và hiểu rằng: Sài Gòn cũng có một thời như thế đó!... Còn với người xem ảnh có tuổi thì có dịp để chạm lại đôi phần ký ức của mình” - nhiếp ảnh gia Tam Thái bộc bạch.

Đó là tất cả những gì mà ký ức của ông ghi lại về Sài Gòn - TP.HCM, dưới góc nhìn của một nhà nhiếp ảnh. Người xem những bức ảnh đó hẳn sẽ lay động về một Sài Gòn với những góc chợ cũ, là Sài Gòn của dân nhập cư, của phố chợ, của đình chùa thánh thất...

Sài Gòn - TP.HCM trong ký ức của Tam Thái là hình ảnh thương xá Tax những ngày tháng cuối cùng với dòng băng rôn của chính các tiểu thương treo vào những ngày ấy "Tạm biệt thương xá - big sale"... Là cây gòn đại lão nơi chân cầu Quới Đước từ năm 1985 giờ thành dĩ vãng, là khu phố Tàu ở đường Chu Văn An (quận 6) với hình ảnh "chóp cao khí vượng" giờ cũng không còn.

Đó còn là cụm ảnh về ký ức nhà xưa với ngôi nhà ở góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định, được thiết kế theo kiểu kiến trúc Pháp hai tầng, mái thông gió được xem là đặc trưng thích ứng khí hậu Sài Gòn, cũng đã bị phá bỏ cách đây ba năm; hệ thống loa phường, loa xã cứ oang oang mỗi sáng thông báo tin tức; là những con hẻm với cái tên như Con đường trứng vịt (Đinh Hòa, quận 8, năm 1989) hay hẻm Thiên Hậu (812 Nguyễn Trãi, quận 5, năm 1986)...

Tiếp nhiều khách đến tham quan triển lãm, có lúc nhiếp ảnh gia Tam Thái lại tần ngần như bao người, đứng một góc để nhìn lại những bức ảnh mình đã chụp qua thời gian.

Sài Gòn - TP.HCM đang ngày một thay đổi với quá nhiều diện mạo mới. Liệu rằng hình bóng Sài Gòn xưa qua những gì mà nhiếp ảnh gia Tam Thái cất công ghi lại có làm lay động những người đang từng ngày may một tấm áo mới cho Sài Gòn...

Cùng ngắm nhìn hình ảnh Sài Gòn trong ký ức của nhiếp ảnh gia Tam Thái (Ảnh: Thanh Tuyền chụp lại tại buổi triển lãm):

Bức ảnh "Cây xanh đâu rồi...".

Hai bên bờ cầu Ông Lãnh.

Bến Mễ...

Xe thồ ở Sài Gòn.

Những hình ảnh cuối cùng về thương xá Tax...

Chợ bên đường, nét văn hóa của phố Sài Gòn năm 1980.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm