Chợ Lê Hồng Phong, quận 10 được xây dựng từ năm 1989 nhưng đến nay nhiều người vẫn quen gọi là chợ Campuchia vì ở đây có nhiều sạp hàng chuyên bán các loại thực phẩm đặc trưng của xứ sở Chùa Tháp. Với người Khơme đang sinh sống ở TP.HCM, chợ Lê Hồng Phong là địa chỉ khá quen thuộc. Nhưng người Việt thì không phải ai cũng biết đến cái chợ độc đáo này.
Cá Biển Hồ vô chợ bên ta
Tôi sống ở Sài Gòn hơn 20 năm nhưng cũng mới vừa biết đến chợ này sau chuyến đi tàu ngược dòng Mê Kông đến Biển Hồ, Campuchia để tìm hiểu về “đường đi của cá”. Chuyện là vầy, khi đến Biển Hồ, thấy cá khô ở đây ngon quá tôi định mua một ít mang về thì anh lái xe tuk tuk kiêm hướng dẫn viên người Việt khuyên đừng mua vì ở Sài Gòn cũng có bán. Anh còn hướng dẫn tận tình: “Đến đường Lê Hồng Phong, hỏi chợ người Miên ai cũng biết. Tui cũng có bà con sống bên đó, nếu cần thì lấy số di động, họ sẽ dẫn đến chỗ bán cá khô”.
Lần đầu đến chợ Lê Hồng Phong, tôi khá ấn tượng với sạp hàng Tư Xê vì ở đây có nhiều loại cá khô lạ và bắt mắt. Nghe tôi nói mới sang Biển Hồ tìm hiểu về nghề cá, chị Mai (tên tiếng Việt), chủ sạp hàng Tư Xê cho biết theo gia đình sang Sài Gòn vào năm 1975. Sau đó, gia đình mưu sinh bằng nghề bán mắm bún Num Bo Chóc và các loại cá khô gần chợ Lê Hồng Phong bây giờ. “Nghề này trước đây bà ngoại bán, rồi tới mẹ, giờ tới mình. Tính ra đã ba đời rồi” - chị Mai chia sẻ.
Những ngày cuối năm, sạp hàng của chị Mai nườm nượp khách. Phần lớn họ mua các loại khô xuất xứ từ Campuchia. Từ khô nhái (dân nhậu gọi là vũ nữ chân dài), khô cá sặc, khô cá lóc, khô cá tra đến cá trèn ở đây đều có. Tôi để ý thấy khô cá trèn ở đây rất lạ, có màu nâu đen óng ánh gần giống như màu nâu cánh gián, giá bán 520.000 đồng một xâu chưa tới chục con.
Chị Mai cho hay khô cá trèn chị đang bán chủ yếu là loại cá trèn to, khoảng 3 con/kg, được đánh bắt ở Biển Hồ, sau đó xỏ xâu phơi giàn bếp nên có màu sắc, mùi vị rất đặc biệt. “Cá trước khi xỏ xâu phơi giàn bếp phải còn sống nên mới có màu nâu rất đẹp. Còn cá trèn những nơi khác có màu trắng nhợt. Người cung cấp loại cá này chỉ tiết lộ bấy nhiêu thôi, còn kỹ thuật hun khói họ giấu kín vì đó là bí quyết riêng” - chị Mai giải thích.
Dù việc kinh doanh đang khá thuận lợi nhưng chị Mai cũng lo ngại vì nguồn cung ứng cá khô đang có dấu hiệu giảm dần trong những năm gần đây. Chị bộc bạch: “Lượng cá khô Biển Hồ cung cấp cho sạp mình bây giờ giảm gần phân nửa so với trước đây. Nhất là các loại cá ngon. Như con cá leo chẳng hạn, năm nay không có hàng để bán”.
Vựa cá thế giới cũng cạn dần
Chúng tôi đến Biển Hồ (tỉnh Siêm Riệp, Vương quốc Campuchia) vào giữa năm 2017. Đang mùa đánh bắt cá nhưng một số dân chài người Việt lại đi chở hàng thuê cho các điểm phục vụ khách du lịch. Anh Chuyển, trạc 30 tuổi, chở dừa thuê cho một nhà hàng nổi trên Biển Hồ cho hay trước đây anh cũng theo cha đi đánh bắt cá, nhưng cá bây giờ ít quá nên phải tìm nghề khác mưu sinh.
Ông Võ Văn Đầy, 68 tuổi, từng làm trưởng ấp người Việt ở Biển Hồ (ấp 7, xã Chong Khơ Nia, huyện Siêm Riệp), cho biết hiện nay có gần 500 hộ gia đình người Việt sống bằng nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ. Sự sụt giảm nguồn cá ở đây khiến cho cuộc sống của nhiều người dân thêm khốn khó. Đại gia đình của ông Đầy đã trải qua năm đời sống bằng nghề cá. Trước đây, chưa bao giờ họ lo thiếu ăn nhưng bây giờ sự túng thiếu đang hiện diện qua từng bữa cơm mỗi ngày.
Nhìn ra mặt hồ mênh mông cuộn sóng, có dấu hiệu cơn giông đang ập tới, ông Đầy thở ra:“Thời tiết bây giờ cũng khác, trời hay nổi gió to, lốc xoáy nên ghe nhỏ không dám ra xa. Người Việt mình sống bằng nghề cá mỗi ngày mỗi khó. Mà ở đây bà con mình chỉ biết bám Biển Hồ mưu sinh chứ đâu biết làm thêm nghề gì”. Nhớ lại thời vàng son, ông Đầy chép miệng: “Người ta gọi Biển Hồ là vựa cá của thế giới vì cá ở đây nhiều khủng khiếp lắm. Mùa nước lên cá linh đặc sệt, thò tay xuống cũng bắt được. Các loại cá tra, cá trèn, cá lóc, cá leo cũng nhiều vô kể. Đời ba tôi, chỉ cần đi một chuyến về là cả tuần mần cá khô không hết. Lúc trước cá nhiều mười thì giờ chắc chỉ còn ba, bốn thôi!”.
TS Trần Thiện Khánh, chuyên gia về môi trường nước, đi chung đoàn với chúng tôi đến Biển Hồ, cho biết việc cạn kiệt nguồn thủy sản ở đây cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ông nói: “Biển Hồ không chỉ cung cấp khoảng 75% sản lượng cá nước ngọt cho người dân Campuchia mà còn chia sẻ lượng cá rất lớn cho ĐBSCL. Do đó, khi cá ở Biển Hồ giảm xuống thì ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng theo”.
Tôi hỏi chị Mai, chủ sạp hàng Tư Xê có biết nguyên nhân vì sao lượng cá khô Biển Hồ cung cấp chợ Lê Hồng Phong giảm sút không, chị lắc đầu: “Trước đây mình không biết. Giờ nghe có người nói chắc do họ xây đập thủy điện trên đầu nguồn sông Mê Kông. Cũng chỉ nghe nói thế thôi chứ mình không hiểu nó ảnh hưởng thế nào. Mình mong Biển Hồ luôn đầy cá để đời con, đời cháu mình vẫn duy trì được nghề này”.
Biển Hồ (Tonle Sap) là hệ thống kết hợp giữa hồ và sông. Tonle Sap theo tiếng Campuchia có nghĩa là “sông nước ngọt lớn”, còn “Biển Hồ” là cách gọi của người Việt. Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Vào mùa khô, hồ có diện tích khoảng 10.000 km2. Vào mùa mưa hồ tiếp nhận khoảng 75 tỷ m3nước từ dòng Mê Kông nên diện tích hồ tăng lên 80.000 km2. |