Sài Gòn ‘tả pí lù’

Nhớ hồi nhỏ, chỉ khi nào bị bệnh, tui mới được má mua cho tô hủ tíu và ly cocktail ở con đường chuyên bán đồ ăn ở gần nhà. Thời đó, ở Sài Gòn chỉ có vài con đường tập trung bán đồ ăn như vậy.

Những con đường muốn ăn gì có nấy

Con đường ngày xưa đó mọi người quen gọi theo tên cũ là đường 41, hiện là đường Phan Xích Long, quận 11. Cứ tới cuối giờ chiều là đường 41 sáng đèn, người xe tấp nập. Thời đó chỉ những gia đình có tiền mới vô khu 41 ăn đêm. Con đường nhỏ chỉ hơn trăm mét mà bán cơ man nào là sinh tố, cocktail, bánh mì, bánh ướt, hủ tíu giò heo, phở, cháo… Nổi tiếng nhất trong đường 41 là tiệm Dương Thành với món gà ác tiềm, súp bong bóng cá.

Con đường ẩm thực này một thời là niềm tự hào của mọi người xung quanh. Nhiều người còn khoe: “Dân quận 1 còn phải chạy tuốt vô đây ăn”.

Dần dà cho tới nay, cả Sài Gòn có không dưới 20 con đường, con hẻm tập trung ẩm thực. Ở Sài Gòn có thể dễ dàng tìm thấy các món ngon ba miền, các món Âu, Á, chay, mặn. Trên cùng một con đường hội tụ đủ các thể loại từ nhà hàng sang trọng cho tới quán cóc bình dân.

Chợt thèm bò lá lốt, bánh xèo miền Trung? Hãy tới quận 10, ghé công viên Lê Thị Riêng hoặc đường Sư Vạn Hạnh. Ngoài ra còn có bánh căn, chè mâm, xiên que, chân gà nướng… Thèm ăn mì vịt tiềm, sủi cảo? Hãy ghé đường Hà Tôn Quyền, quận 11 nổi tiếng là phố sủi cảo. Thích các món ốc? Hãy qua quận 4, chạy dọc đường Vĩnh Khánh, qua luôn Tôn Đản với hàng chục quán ốc từ 30.000 đồng/dĩa cho đến 70.000 đồng/dĩa. Thích nhâm nhi bánh tráng, ngắm phố xá đông vui? Ghé quận 3 thăm đường Nguyễn Thượng Hiền mua bánh tráng trộn. Hoặc qua Cao Thắng mua bánh tráng nướng nhâm nhi chiều mưa. Muốn khám phá quán bar, ẩm thực các nước? Hãy tới phố đi bộ Bùi Viện.

Khu Hồ Con Rùa một thời là điểm hẹn hò chiều thứ Bảy của các đôi tình nhân, giờ đây tấp nập các món bắp xào, bánh tráng trộn, cá viên chiên, món Hàn… Rồi nào là các thiên đường ẩm thực “Hẻm 76 Hai Bà Trưng”, “Hẻm 284 Lê Văn Sỹ”, “Hẻm 200 Xóm Chiếu”, con đường trái cây dĩa Nguyễn Cảnh Chân, con đường chè Thái, xiên que Nguyễn Tri Phương. Tiếp đến là An Dương Vương - quận 5, Phan Xích Long - Phú Nhuận, Phan Văn Trị - Gò Vấp…

Có thể buổi tối ở Sài Gòn không có nhiều nơi để thăm thú, vui chơi. Nhưng chắc chắn Sài Gòn không thiếu chỗ… ăn, bất kể ngày đêm.

Con phố ẩm thực trong lòng Sài Gòn. Ảnh: MM

Những con đường tạp kỹ nhâm nhi

Một chiều giữa tuần ở con đường ốc Vĩnh Khánh, quận 4. Hàng chục quán ốc nằm kề cận nhau, có quán vắng khách, có quán đông khách. Giữa không gian chật hẹp ấy có một cái… đám ma. Người giữ xe ở kế bên kể rằng người mất là một ông cụ, nhà nghèo, không nhà không cửa. Mọi người xung quanh gom tiền mua hòm, làm đám. Và dọn một khoảng không gian hiếm hoi để làm đám cho ông cụ.

Trời tối dần, tầm 8 giờ, quán xá cũng bắt đầu đông khách. Một đoàn xe Vespa chở khách du lịch nước ngoài ghé vô quán ốc đối diện. Lúc này, những người bán dạo cũng xuất hiện nhiều hơn. Có hai cậu con trai tầm hai mươi mấy tuổi kéo thùng loa di động, mở nhạc ầm ĩ, nhảy múa, mời mua kẹo. Một nữ du khách người Nga từ bên kia đường cũng chạy sang nhảy múa chung. Mọi người hò hét, vỗ tay ủng hộ tạo nên bầu không khí vô cùng náo nhiệt.

Không gian chợt lắng xuống khi có một thằng bé chừng mười hai tuổi, ăn mặc xốc xếch, tay chân lấm lem. Thằng bé đi chân không. Nó rụt rè bỏ cái thùng xuống, lấy chai dầu hôi đổ một ít xuống đất, quẹt ga châm lửa. Rồi bất chợt nó cầm cái chai dầu hôi lên nốc một ngụm. Nó vỗ tay một cái thiệt mạnh để tạo sự chú ý. Thằng bé bắt đầu biểu diễn trò phun lửa. Nó phun được tầm ba, bốn chập rồi ngưng, chìa lon sữa ra để mọi người bỏ tiền vào đó.

Hình như so với trên truyền hình, trò phun lửa của thằng bé không có vẻ gì kịch tính và sơ sài nên không mấy ai bỏ tiền vô lon. Có lẽ do ngậm dầu hôi trong một thời gian dài nên môi và quanh miệng thằng bé có những vết lở loét thâm đen.

Chiếc xe bán đồ ăn vặt đậm chất Sài Gòn. Ảnh: MM

Khi thằng bé lẳng lặng đi qua quán khác thì một anh chàng cũng tầm hai mươi mấy tuổi kéo cái thùng loa di động tới hát phục vụ và bán kẹo.

Một sắc thái khác của Sài Gòn tại phố đi bộ Bùi Viện. Các hàng quán ở đây xếp đầy bàn ghế, du khách nước ngoài cũng tụ về đây ngồi uống bia, tán gẫu, ăn uống khá đông đúc. Trên phố, có một số bạn trẻ cùng bạn bè chụp ảnh, “check-in”. Tại một góc của Bùi Viện, hai cô gái trẻ trạc hai mươi tuổi, ăn diện đúng mốt đang đợi nhóm bạn đến. Trong lúc chờ bạn, hai cô tranh thủ lấy điện thoại ra tạo dáng, chu mỏ chụp hình... Tới đây, người Sài Gòn chánh gốc đôi khi còn có cảm giác như đang lạc vào một Sài Gòn lạ lẫm nào đó.

Cứ thế, trong một buổi tối bao nhiêu sắc thái của Sài Gòn đều hiển hiện ra.

Ngày xưa, khách đến đường ẩm thực ăn là những người giàu có. Còn nay, với sự phát triển kinh tế và mạng xã hội thì các con đường ẩm thực lại là điểm đến của đa số những người trẻ.

Chị Thanh Ngọc, mới tốt nghiệp đại học năm ngoái, làm nhân viên văn phòng được sáu tháng, từ quận Tân Bình qua Vĩnh Khánh ăn ốc cùng đồng nghiệp. Chị cho biết: “Nghe đồn ở đâu có món ngon, món lạ là phải tới “check-in” để cho tụi bạn biết mình không phải Hai lúa”.

Vậy đó, những con đường ẩm thực không chỉ là nơi ăn uống mà còn là nơi hò hẹn, gặp gỡ, thể hiện bản thân... Dẫu có vui, có buồn nhưng hy vọng những con đường ẩm thực ở Sài Gòn không phải là trào lưu, sớm nở tối tàn. Để những thực khách Sài Gòn và cả khách phương xa được “ăn” lại kỷ niệm xưa mỗi khi về chốn cũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm