Buổi sáng, khi kẻng đánh mười giờ
Tôi đi theo con đường nhỏ đến trường
Ngày nào tôi cũng gặp người bán dạo
Anh ta rao:
“Vòng đây, vòng thủy tinh đây!”
Chẳng có gì thúc giục anh ta
Anh ta chẳng phải theo một con đường nào cả
Cũng chẳng phải đến một nơi nào cả
Và cũng chẳng phải về nhà theo một giờ giấc nào
Tôi ao ước được làm một người bán dạo
Tiêu phí ngày giờ trên đường cái
Và rao:
“Vòng đây, vòng thủy tinh đây!”
(Thơ của R. Tagore - Đào Xuân Quý dịch)
Bây giờ đọc trên báo, trên mạng thấy người ta đang nhắc nhiều đến những người bán dạo cùng những tiếng rao của họ. Đó là câu chuyện muôn thuở về sự tiếc nuối cho những thứ đang mất dần đi, dù lúc chúng đang tồn tại không mấy ai để tâm. Những người bán dạo có mặt trên khắp thế giới từ ngàn xưa, có trong chuyện cổ, truyền thuyết từ xứ Á rập đến phương Tây, từ Trung Hoa đến châu Phi. Họ có điểm giống nhau là lang thang khắp nơi và cất tiếng rao về sản phẩm của mình. Họ như những cái bóng thoáng qua cuộc đời này, hết lớp này đến lớp khác và bóng dáng họ đang nhòa dần khi những phương thức bán lẻ mới tiện lợi hơn ngày càng thịnh hành ở các đô thị.
1. Thật ra, xưa kia vẫn luôn có những người quan tâm đến họ. Đó là những người già rảnh rỗi, thường xuyên ở nhà, cần và luôn có thì giờ lắng nghe những chuyện ngoài khung cửa sổ. Những người bán rong sẽ giúp họ biết những gì đang xảy ra ngoài đường phố. Có khi họ trở thành bạn tâm tình của gia chủ, đổi lại sự gần gũi đó là được ưu tiên mua giúp món hàng. Loại người thứ hai nhớ nhiều và nghĩ nhiều đến họ chính là những đứa trẻ.
Đọc đoạn thơ trên của Tagore, tôi nhớ lại những người bán rong đi qua xóm trong cái tuổi nhỏ mà tôi luôn nhớ khôn nguôi. Cũng như cậu bé trong bài thơ trên, tôi từng mơ được như họ, không phải đi học, được lang thang khắp nơi nhìn ngắm cảnh vật và bao điều lạ trên đường.
Họ từ đâu và đã đi về đâu, họ còn sống hay đã chết, hở ông nhuộm quần áo có cái trống lắc thùng thùng, ông kẹo kéo có cái miệng tía lia và đôi mắt hí, bà bán chè táo xọn, bà bán bò bía đẩy xe? Đối với họ, giữa thời chiến, khi quê nhà đầy khói lửa, về thành phố đi bán dạo vẫn còn tốt hơn. Họ sống tằn tiện, gửi tiền về quê, trả tiền thuê chỗ ở..., có người sớm thoát ra cảnh dãi dầu mưa nắng hằng ngày, có người đi bán dạo tới già, tới khi hết sức. Đối với tôi, niềm vui họ mang đến tuy nhỏ nhưng đều đặn. Nó đến vào những buổi xế chiều mùa hè, sau giấc ngủ dậy thèm ăn một chén sương sa hột lựu, một chén tàu hũ nước đường ấm thơm mùi gừng hay dĩa bò bía cho đỡ lạt miệng. Nó làm náo nức lòng trẻ khi nghe tiếng rao từ xa và sung sướng khi người mẹ đã kịp gọi họ quay đầu gánh đến bán.
Khi tôi viết bài “Tiếng rao trên đường phố Sài Gòn năm 1943” và đưa lên mạng xã hội, có những trao đổi qua lại của những công dân Sài Gòn cũ thật lý thú.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhớ lại khu cư xá Chu Mạnh Trinh anh từng sống có một người bán rong có tiếng rao rất dài. Đó là một ông thầy bói, thường đội nón nỉ, thắt cravate, đeo kính mát, mang giày Tây, đi xe đạp. Đại khái ông rao là “… coi không hỏi tuổi mà biết tuổi, biết trong nhà có mấy người, sống mấy người chết mấy người...”. Một chị nhắc, câu đầu tiên ông rao là “Ba mươi năm Hoàng Anh đã đến đây rồi...” và mỗi khi xuất hiện ông dựng xe đạp đầu hẻm rồi mới cất tiếng rao. Một anh khác kể rằng ông thầy bói Hoàng Anh này đi khắp Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Anh ở trong hẻm đường Trần Bình Trọng khu Chợ Quán mà lâu lâu cũng nghe ổng rao. Có lần vô Phú Lâm cũng thấy ổng.
Dì Út tôi những năm mới về nhà chồng ở Ngã tư Bình Hòa gần trường vẽ Gia Định rất có ấn tượng với một người đàn ông bị thọt chân thường vào hẻm Ba Cây Sao. Ông vừa đi vừa rao một câu thật lạ: “Cò bay, ngựa chạy, củi dầu đây!”. Đó là vào những năm 1958-1959. Người đàn ông này trạc tứ tuần, đi bán củi dầu, thường gọi là củi ngo. Ngo là những thanh củi nhỏ, là lõi của cây thông trên cao nguyên có chứa một thứ dầu có mùi thơm dễ chịu, được người Thượng trên đó lấy đem xuống. Ông buộc ngo thành từng bó nhỏ cỡ bó đũa, bỏ trong một cái rổ cắp kè kè bên hông. Củi ngo mà nhóm lửa thì bắt rất nhanh, chỉ cần một que củi bé xíu chạm vào que diêm đang cháy là lửa bừng lên, tỏa mùi thơm dễ chịu.
Không ai biết củi dầu thì có liên quan gì đến “cò bay, ngựa chạy” nhưng rõ ràng câu rao của ông dễ nhớ. Dễ nhớ hơn nữa là hình dáng của ông: gầy nhom, đen đúa, chân mang dép, bận quần cụt và cái áo thun ba lỗ, đầu để trần cho dù đi bán trong nắng Sài Gòn. Điều đáng tội là ông bị tật, miệng méo, tay khoèo, đi tập tễnh, giọng rao thì ồ ề như không thoát ra được cổ họng: “Cò baaayy… ngựa chạạạy… củi dầu đââây!”. Mỗi ngày đi dạy đầu buổi chiều dì Út đều thấy ông với mái tóc bợt bạt và dáng đi xiêu vẹo dọc đường nắng. Có lần trời mưa, thấy ông chạy vội qua, lom khom ôm cái rổ, dùng lưng che mấy bó củi ngo vì sợ ướt.
Bà xẩm bán bánh ướt cũng bán ở khu này, chỉ rao một câu đơn giản: “Bánh ướt đêêê!” với giọng khào khào khá trầm. Giống như nhiều bà xẩm khác, bà bận bộ đồ đen cũ kỹ bạc màu, gánh một đôi gánh một bên để mâm bánh ướt xếp sẵn, một bên để dĩa, đũa, chai nước giấm. Bà đi đâu cũng mang theo một cái ghế gỗ rất thấp để ngồi, khi gánh đi thì nhét cái ghế vào giữa cái quang gánh và cái mâm. Có lần bà đi ngang qua nhà ông ngoại tôi, dì Út tôi nghe tiếng rao chạy ra định gọi vào thì bà ngoại chặn lại. Đến khi bà xẩm khuất dạng, ngoại nói: “Tao thấy bả dùng cái khăn lau chén lau cái ghế bả ngồi, thấy ớn quá, đừng ăn bánh cuốn của bả!”. Từ đó cả nhà không ai dám ăn bánh cuốn bà xẩm. Mấy lần bà dừng trước nhà, rao to như mời gọi khách quen lâu nay. Không ai lên tiếng, bà bỏ đi và không thấy quay lại nữa.
Có những trưa hè, lúc ngồi nhà mà nghe tiếng kim loại va vào nhau là đàn bà con gái trong xóm bảo: “Ông lẻng kẻng đến!”. Đó là một người đàn ông người Hoa bận áo đen, đẩy một cái xe giống như xe ba bánh nhưng nhỏ hơn, trên xe để nhiều cái hũ thủy tinh chứa các loại trái cây như cóc, xoài xanh, ổi ngâm nước cam thảo màu vàng hơi xanh lá. Những miếng cam thảo được bào vụn để lại những mảnh nhỏ dưới đáy hũ, xáo động lên khi cái muỗng lớn của ông thò vào múc trái cây lên. Trái cây ngâm cam thảo có mùi thơm, hơi ngọt... Trái cóc ông không chẻ bông xòe ra mà cắt ra làm bốn miếng, đưa ông một cắc thì được một góc tư trái cóc đã lấy ra cái hột có gai. Vì sao lại gọi là “ông lẻng kẻng”? Đơn giản là ông mang theo một sợi dây thép xỏ xâu những miếng sắt mỏng. Khi đi bán, ông lắc sợi dây và các miếng sắt va vào nhau kêu lẻng kẻng lẻng kẻng… Tiếng nó rất vang, từ xa đã nghe, đi khuất vẫn còn vọng tới. Ông không cất tiếng rao nhưng tiếng lẻng kẻng của ông chính là tiếng rao.
Dì tôi nói: “Hầu hết những người bán dạo ngoài đường đều đáng thương, họ hiền lành và luôn nhẫn nhịn”. Dì bảo đến giờ vẫn nhớ như in dáng đi và giọng nói ồ ề của ông bán củi ngo và luôn tự hỏi cuộc đời cực nhọc của ông sẽ ra sao.
2. Những năm sau 1975, cuộc sống khó khăn khiến nhiều người ra đường bán lặt vặt kiếm sống. Một số người chiếm lề đường để làm chỗ sửa xe đạp, bán xăng lẻ, bán bánh cuốn, bán sách cũ... Số người đi bán rong xuất hiện khá nhiều, mỗi ngày cả chục người vô xóm bán các loại bánh, nhuộm quần áo, bán chổi lông gà, hớt tóc dạo… Có những người đi thu mua gọng kiếng, bút máy, cao cấp hơn là thu mua đồ gỗ xưa, bạc cắc xưa, đồng hồ xưa. Người đi rong bậc cao như chụp ảnh dạo không còn thấy nữa như hồi xưa. Người lớn đi là chính, nhưng cũng có xuất hiện vài đứa con nít đi bán rong.
Trên con đường Thoại Ngọc Hầu (Phạm Văn Hai), vòng qua Phạm Hồng Thái (Cách Mạng Tháng Tám), đi vào cư xá Tự Do và các khu xóm đạo gần đó, những năm sau 1975 có một em bé độ 13, 14 tuổi thường xuất hiện buổi tối, đội trên đầu một vòng vải độn cứng. Trên vòng vải là một cái mâm có nắp đậy giữ bên trong những cái bánh giò nóng. Hẳn đầu và cổ em phải khỏe lắm mới có thể đội được mâm bánh nặng như vậy, hay là không khỏe nhưng vẫn cố mà đội? Em mặc áo bà ba đen, quần xà lỏn, mặt mũi sáng sủa với đôi má phính. Nhà em có thể trong ấp Hòa Bình khu Ông Tạ vì luôn đi ra từ đó. Tám giờ tối, tiếng em vang từ trong ngõ: “Ai ăn bánh giò nóng không?”. Tiếng rao trong trẻo, giọng Bắc, ngân nga như giọng soprano trong hý viện opera, bắt đầu ngân từ chữ “Ai” và kéo dài ở cuối chữ “không”. Khách mua bánh khi ngoắc đến gần mới nhận ra tiếng rao của em thật rõ, âm lực mạnh và đầy hơi, nói theo truyện kiếm hiệp là nội công thâm hậu. Em đi qua cầu Ông Tạ và đi vào ngõ Cấp Tiến, tiếng nhỏ dần nhưng vẫn nghe tiếng ngân. Nghe giọng trong như vậy, ai cũng tưởng đó là một em gái nhưng hóa ra là cậu con trai chưa bể tiếng. Nhiều buổi tối mùa mưa, trong ánh đèn đường vàng và mưa phùn bay như có sương mù, tiếng rao hàng của em như muốn xuyên thấu màn sương để đến tai người nghe, khiến người không muốn ăn cũng gọi em lại để mua vài cái bánh giò. Bánh em bán ngon, bột bánh mềm, nóng và giòn, không bở hay dễ bể ra như bánh giò bán ngoài chợ. Bóc lá chuối ra, bánh còn bốc khói. Nhân thịt băm và mộc nhĩ đậm đà mặn ngọt trên môi lưỡi.
Buổi tối ở trên khu này có bán mía hấp. Lúc đó loại xe ép bán nước mía chưa thịnh hành lắm. Ông bán mía hấp gầy nhom, áo sơ mi tay dài xăn lên. Ông có chiếc xe ba gác chế lại để đi bán mía. Ông cắt một tấm ván ép vừa lòng thành xe, ở giữa cắt một lỗ tròn vừa đủ để đặt cái nồi hấp lên trên cái bếp dầu. Mía được đặt dưới tấm ván ép, chung quanh nồi hấp. Bên góc xe, ông đặt một chiếc đèn dầu bằng đồng tự làm lấy cao cả thước, uốn hình chữ S ở trên ngọn. Khoảng tám chín giờ tối, ông đạp xe đến gần cầu Ông Tạ rồi ngừng xe lại, bật diêm châm bếp cho nồi hấp, châm ngọn đèn dầu với ánh lửa vàng lập lòe. Xong, ông rút con dao, một loại dao bào cỡ khoảng chừng bằng hai bàn tay, ra róc mía. Những cây mía được róc vỏ, cắt ngắn khoảng chừng bốn, năm đốt rồi đút vào nồi hấp. Khi có khách đến mua, ông mở vung nồi, dùng một cái khăn tay để lấy mía từ trong nồi hấp ra, rồi dùng một con dao nhỏ tỉa thành từng khoanh trên thân mía rồi trao cho khách khúc mía hấp đã được gói trong một tờ giấy. Khách chỉ cần dùng tay bẻ từng khoanh, ai có răng tốt và khỏe có thể cắn từng khoanh và nhai cho ra chất nước mía ấm ngọt lịm. Ông không rao hàng nhưng khi ngọn đèn dầu của ông được thắp sáng là khách biết ông đã sẵn sàng có mía hấp nóng để bán.
Những món ăn đường phố từ các miền luôn ở trong ký ức của từng người đi xa. Ảnh: MM
3. Nhân đây, nói thêm về chiếc xe ba gác đạp. Nó rất hữu ích với những người bán rong. Từ chiếc xe này có thể chế thành một cửa hàng nho nhỏ. Có thể làm cái mái thấp để che nắng mưa cho người bán và đồ vật bên trong. Ví dụ xe bán “tục tắc” của một ông người Hoa. Xe của ông dừng trên đường Thoại Ngọc Hầu vào buổi chiều tối. Chén đũa và những đồ vật khác được sắp xếp ngăn nắp trong diện tích nhỏ trong lòng xe. Chung quanh xe chế những cánh gỗ chống lên được làm bàn, xếp vài cái ghế chung quanh cho khách ngồi ăn nếu không gọi mang đến nhà. Đi theo ông là một anh cũng là người Hoa, cao gầy, trắng trẻo, một tay cầm khúc tre dài, gõ vào một khúc tre ngắn ở lòng bàn tay kia, kêu tục tắc như tiếng nhạc. Anh đi bộ rảo quanh con đường này, bằng tiếng gõ mời khách ăn hủ tíu mì nước nấu theo kiểu Hoa và món bò viên. Khách ở đây thường gọi những món ăn này để ăn chơi sau bữa cơm chiều, nghe tiếng gõ là ngoắc đến để gọi món. Anh “tục tắc” viết thực đơn vào một cuốn sổ nhỏ cầm tay, trở về “cửa hàng” ba gác đợi ông chủ làm hủ tíu cho khách rồi bưng đi giao thật nhanh, đến nỗi khách nhận được lúc còn nóng hổi và bốc hơi thơm nghi ngút.
Những dịp cuối năm hay có mưa này, tôi ít gặp chị bán bánh tráng đi vào xóm hơn trước đây. Chị bán bánh tráng mè, bánh tráng tôm, bánh phồng nếp và bánh tráng chuối. Chị có giọng rao không mạnh lắm: “Ai bánh tráng đây!”. Tiếng rao đã yếu, khi hạ chữ “đây!” nghe như sắp hết hơi. Chị kể khi bán loại bánh mè khổ lớn, chị phải bẻ đôi hay làm ba để bỏ cho vừa cái bao đưa cho khách. Hầu như không ai thắc mắc nhưng có một bà nói: “Bánh tráng mà bẻ vụn ra cho chó ăn à?”. Chị nghe mà buồn. Tôi hỏi: “Chị vừa gánh vừa rao vậy chắc mệt?”. Chị cười: “Vậy mà người ta thương nghen chú! Họ nói bây giờ ít nghe ai rao hàng rong, toàn dùng loa phát, ồn chả muốn mua”. Chị vừa đi bán, mỗi tuần một lần đến nhà một bà hay làm từ thiện ở khu biệt thự đường Tân Canh để lãnh gạo. Chị bảo Sài Gòn dễ sống, mình đàng hoàng là có người thương nên dù để chồng con ở Quảng Ngãi vào đây kiếm sống, chị thấy ổn hơn là làm ruộng ngoài đó. Bán hàng rong mà được thương thì sống được trên thành phố này. Chị nói, cười rất tươi trên gương mặt gầy gò sạm nắng.
Bao nhiêu người bán rong đi qua đường phố những năm đã qua chợt trở lại với tôi lúc này. Họ không là thân thuộc, không mấy khi trò chuyện nhưng sao gần gũi và đọng lại rất lâu trong tâm trí ta như vậy.