Cuộc đời của một con suối lạc loài

H’Mir chưa bao giờ ngược tìm về dòng nước quê mình. Nhưng Mir nghĩ nó chảy ra từ lòng đất ở một nơi xa, chỗ cao, trên cao nguyên Dăk Lăk quê nhà này. Mir tin dòng nước là thiêng. Nếu không thiêng thì làm sao chỉ ở chỗ này, bao giờ cũng vậy, suốt nửa giờ trước khi có mưa là con suối gào lên. Tiếng ầm ào của dòng suối sau nhà kêu lên một thứ âm thanh hoang dại, như báo động, mà đôi khi cảm giác cứ như đòi nợ, rất khó tả. Âm thanh dội lên mảnh rừng lá rộng còn lại bên suối, dội cả vào nhà của Mir.

Ngày xưa, bố mẹ, trước nữa là ông bà, và cả làng cứ mùa mưa là tổ chức cúng con nước, cúng “Yàng Ea” - thần Nước. Để tỏ lòng tôn kính thiên nhiên và lòng biết ơn nguồn nước đổ về cho dân làng có cái uống, cái để dẫn vào cho lúa trong ruộng lên xanh và các thứ cây trồng trên vườn nữa.

Chuyện còn lưu truyền đến thế hệ nay, vào một thời nào đó, có người con gái đi bắt cá, lúc trời vừa mưa vẫn còn ở dưới suối, cứ bám theo con cá khi nó chui vào một hốc đá và thò tay vào để bắt cho được. Người con gái ấy lút sâu luôn vào hốc đá bí ẩn vô hình, dù đoạn suối lởm chởm đá, nước chảy dữ dội nhưng không sâu, và biến mất luôn mà không lý giải được. Người làng đinh ninh là cô gái đó đã bị Yàng Ea bắt làm vợ và vẫn tin thế đến giờ. Làm vợ của Yàng là điều hạnh phúc mà, tốt thôi, bình thường.

Mir, mà không riêng nàng, cả buôn Cư Dluê của người Ê Đê bản địa, xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột đều cho là mình hạnh phúc khi sống bao đời bên đoạn suối này. Không chỉ đẹp, lành, mát, mà nó còn là con suối ruột thịt, ân tình. Đến mức đến ngày nay con suối có những mùa hôi thối, nước đen ngòm từ trên kia đưa về cùng bao nhiêu xác chết, rác rưởi, cái nguồn nước mà không còn ai ở Cư Dluê dám uống hay tắm nữa, thế mà Mir vẫn bảo nó vẫn là nguồn nước thân yêu, “Thì còn tưới cây, đổ ruộng được mà!”. Mir hái những trái cà đắng để nấu bữa tối cho gia đình, cười hồn hậu: Không có nguồn nước này, con suối Ea Tam, lấy đâu ra những trái cà này. Tâm hồn nàng trong quá, đẹp quá, H’Mir ơi!

Đoạn cuối suối Ea Tam thuộc hạ lưu trước khi đổ xuống dòng sông lớn Sêre Pôk.

Một căn nhà dài Ê Đê truyền thống ở buôn Ko Tam đầu nguồn.

*

Cầm cái xà gạt phát những tàn cây dại um tùm nơi Ea K’ha (nơi nước từ rễ rây rỉ giọt ra - tiếng Ê Đê), nàng H’Nhul cười trong vắt: “Để bà con ra lấy nước uống khỏi bị con rắn cắn”. Mẹ của H’Nhul để lại mảnh đất này, thẻo rừng có cái Ea K’ha này cho nàng, vì theo chế độ mẫu hệ con gái làm chủ mọi thứ của gia đình. Dù đất là của nàng nhưng nguồn nước là của Yàng, trời đất tạo ra, nên nó là sở hữu chung theo lẽ trời, phải được mọi người cùng dùng và gia đình nàng dĩ nhiên phải có trách nhiệm coi sóc nó. Cái buôn Ko Tam, gọi đầy đủ là Ko Ea Tam mang tên từ chính giọt nước này.

Ea Tam nghĩa là nguồn nước có buôn Ko Tam ở đó mà Ko nghĩa là đầu nguồn con nước. Mà không chỉ người buôn Ko Tam được lấy nước ở đây, mà buôn nào cần uống cũng có thể đến lấy tự nhiên. H’Nhul cảm thấy tự hào khi chăm nom Ea K’ha cho bà con. H’Nhul dự cảm những giọt nước mà nàng đang chăm hằng ngày này chảy đi đâu đó thật xa, nhưng nàng chưa bao giờ đi đến cuối nguồn của nó.

Giống H’Mir ở chiều ngược lại, H’Nhul sinh ra, uống nước Ea Tam lớn lên, lấy chồng, lên rẫy trồng cây bắp, cây đậu, cây cà phê kiếm sống cho mình, con cái và coi sóc Ea K’ha. Áp lực mưu sinh cho hiện tồn khiến những con người mộc mạc, hồn hậu thường không cần đến tri thức cao rộng hay nhu cầu khám phá những điều vượt khỏi không gian sống xa hơn và có khi suốt cả một đời. Dòng Ea Tam chảy từ buôn của nàng H’Nhul về đến buôn của nàng H’Mir, từ giọt nước đầu tiên đến chỗ hạ nguồn.

*

Từ khi cao nguyên Đắk Lắk hình thành, Tam đã chảy thế, là kỷ gì gì đó, có thể già tỉ năm trước, theo thuật ngữ niên đại địa chất buổi định hình lớp vỏ Trái đất. Cứ chỗ nào trũng thì Tam đi, xé núi tạo khe, băng qua những cánh rừng, muông thú, thời gian, rồi cả những làng người. Những chuyện bên trên mặt đất Tam không biết, Tam chỉ biết rễ cây rỉ ra Ea, cộng với nguồn từ hơi nước ngưng tụ thành mây và khi đổ ngấm lại mặt đất thì Tam đưa nó đi giang hồ.

H’Mir hỏi ông bà có bao giờ Tam cạn nước chưa thì họ bảo chưa. Vậy thì ở đương đại, chỉ có một lần duy nhất là mùa khô năm 1997, năm El Nino quét qua, nung cháy cao nguyên này là Tam khô dòng một số tuần. Ngoạn mục chưa khi xứ Buôn Ma Thuột này không còn cánh rừng nguyên sinh nào cả, ngoại trừ thẻo cây bên suối sau nhà H’Mir. Sự sống kỳ lạ thế đấy, vỏ Trái đất kỳ lạ thế đấy, như không ai có thể lý giải tại sao thành phố thủ phủ Tây Nguyên to đùng như Buôn Ma Thuột đến giờ nước sinh hoạt cho đô thị vẫn lấy từ nước ngầm. Lòng tốt của đất trời quả vô hạn, dù con người đã cạo trọc thảm nguyên sinh trên mặt đất, đưa người đến ở, xây lên những bon, buôn, làng mạc, bộ tộc, bộ lạc, thành phố, nhà nước, quốc gia, quê hương.

Nghĩa là Tam chảy từ vùng đồi núi cao nhất xứ Buôn Ma Thuột, hướng Đông Bắc, có cái buôn Ko Tam đấy, cho đến khi gặp con suối lớn khác, Ea K’Nier, hướng Tây Nam và nhập vào nhau để chảy thêm khúc nữa rồi tuôn trọn nước xuống dòng sông hung dữ Sêre Pôk và dòng sông lớn nhất cao nguyên Đắk Lắk này sẽ đưa nước về dòng sông lớn hơn, Mê Kông, ở bên Cambodia, để mênh mông ở thứ hạ lưu lớn hơn nữa là đồng bằng châu thổ Cửu Long mà hòa vào biển Đông. Phần nhiều những con suối sườn nam Buôn Ma Thuột đều xem Tam là Mẹ, mạch nguồn Mẹ.

Tam là con suối lớn nhất Buôn Ma Thuột. Tam quan trọng và cao cả như con sông Hương chảy qua Huế, sông Hồng chảy qua Hà Nội, hay sông Da Đờng (Sài Gòn) chảy qua TP.HCM. Suối mà, chứ nào phải sông; đầu non, thượng nguồn mà, nào phải hạ lưu, nơi châu thổ hay cửa biển. Quê hương của Tam là mái nhà Đông Dương. Tam thành động mạch của cơ thể Buôn Ma Thuột. Tam là long mạch của xứ sở. Tam là linh hồn thủ phủ Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột. Tam chạy vòng vèo trong lòng đất qua núi đồi, trảng cỏ, trũng sình, thung lũng, từ bon của H’Nhul đến bon của H’Mir phải đến bảy mươi lăm cây số.

Tam chảy qua đâu là chỗ đó còn có những vườn rau non xanh bà con trồng. Sự sống và sức sống. Chảy từ cổ lục đến hiện tại. Tam âm thầm. Kiên cường lắm, nhưng Tam vẫn là con suối tự tình. Ở xứ Buôn Ma Thuột đầy nắng-gió-bụi này, ai bảo hằng ngày chút mát lành trên những con phố không từ hơi nước Tam. Văn hóa truyền thống bản địa của người Ê Đê làm sao không có bóng dáng Tam. Có đứa con nào của xứ Buôn Ma Thuột khi xa xứ này mà không mang theo hình ảnh Tam. Lịch sử hình thành đô thị Buôn Ma Thuột đi qua Tam. Tam là không gian văn hóa, là sinh cảnh cội nguồn. Tam lộng lẫy, lặng lẽ. Nhưng lẽ đời, thường đầu nguồn và cuối nguồn bao giờ cũng là vùng xa, nông thôn, nơi rẫy nương, hoặc ngoại vi, ngoại đô nên người đời ít để ý cũng phải rồi.

Tác giả bên Giọt nước Ea Tam ở thượng nguồn.

Nhà xưởng, biệt thự chiếm ngự dòng suối linh hồn của xứ sở.

Người dân buôn A Lê B ở thành phố Buôn Ma Thuột vẫn cầm cự làm ruộng lúa bằng nguồn nước ô nhiễm từ suối Ea Tam.

*

Khởi thủy hẳn Tam không nghĩ một ngày nào đó của lịch sử, trên mình sẽ là một đô thị. Loài suối là phải ở rừng với tràn đầy thảo mộc, hẳn hợp. Tam lạc loài vì Tam bỗng dưng ở phố. Nếu lỡ ở đô thị, thì phải nhờ tim người. Đô thị này sẽ rực rỡ bản sắc, nếu thế nhân có nghĩ, thấy vai trò của Tam, lấy Tam làm trung tâm, để quy hoạch đô thị là tránh Tam ra, cho Tam một không gian sinh cảnh, vừa đủ thôi, để Tam sống tiếp cuộc đời một con suối.

Nửa thế kỷ qua, xao động quá nhiều hai bên bờ nước. Một ngày, Tam chợt thấy mình hình như không còn là dòng nước của thiên nhiên, không còn là đứa con của đất, của thảo mộc, xứ rừng. Là khi Tam trở thành cống, thành nơi dễ nhất để đựng nước thải đô thị. Một kênh nước thải khổng lồ, lê thê trên xứ sở, dài nhiều chục cây số. Dòng nước thân yêu để những người
Ê Đê trên các bon Tam chảy qua đi tắm, bắt cá, hái rau dại đôi bờ và trẻ con lưu dấu tuổi thơ, giờ đã tránh ra. Cá đã biệt xứ và rau suối đã lịm hết trước dòng nước hôi thối, quanh năm đen ố đó.

Nhà bên suối là nhà xa xỉ, giữa đô thị, ngày nay. Người ta tranh nhau xây nhà, biệt thự, mở quán nhậu, trại chăn nuôi, lò mổ, xưởng máy, cầu tiêu… trên mình Tam. Mới hôm nào Tam chỉ tiếp nhận nguồn nước trong lành từ những khe mạch mình đi qua, nay là vòi thải của muôn vạn nhà cửa, trùng trùng đổ xuống. Hằng ngày Tam phải tải đi luôn xác vật chết, phế phẩm bếp núc, hàng quán, phế liệu nhà xưởng, cùng bao la túi nilon… về hạ nguồn, nơi H’Mir ở. Trên những mảnh ruộng lớn, bé đó, bà con bảo lúa cũng vật vã sống, có mùa được có mùa không, lúa chết và cá không còn là một nguồn thu hay sự cải thiện bữa ăn của cộng đồng.

 Cả thành phố này biết Tam đã không còn là một con suối. Nhưng người đời vẫn gọi Tam là “suối” vì ký ức đã định vị, hằn trong tâm tưởng của họ, và khái niệm để thay thì chưa có. May mà ở đầu nguồn, nơi H’Nhul ở, chưa bị đô thị hóa, cả xã Ea Tur và quanh đó  vẫn còn là vùng rẫy nương hiền lành, hoang vắng cùng lỏi chỏi những khe đồi còn dăm ba chỏm rừng lá rộng đang chống chọi cuộc cuối với cây cà phê, nhu cầu lấy đất làm rẫy. Sứ phận dẫn nước cho đất đai, con người, cây cối của Tam đã thay bằng công năng dẫn nước thải đô thị, thế Tam có buồn không ?!

Nếu có tâm hồn thì Tam phải biết buồn và trên cả buồn là Tam đau khổ. Chắc Tam nhớ những thế kỷ, thập niên an nhiên, lăn tăn, vẫy vùng chỉ là nước trong lành trên mặt đất. Chắc Tam nhớ những đàn cá trong lòng nước. Tam nhớ những bầy chim kéo nhau về làm tổ trên những dải cây ven suối. Tam nhớ những bến nước luôn đầy tiếng cười của bà con xuống gùi nước ban trưa. Tam nhớ những sơn nữ hồn nhiên thả ngực trần long lanh tắm dưới dòng nước mang tên mình khi chiều tà. Thời gian nhuộm lên Tam vùng ký ức mênh mang. Con suối đã úa mà ký ức vẫn một màu rực rỡ.

*

Tam sẽ nhớ, chiếm ngự những lòng suối phần lớn là dân nhập cư mới, nhưng cũng không thiếu những gia đình bản địa Ê Đê. Là cùng đua tranh cơ hội, lợi ích, tồn tại trên đầu Tam. Vì Tam dù là lâu đời, nhưng vẫn là thực thể giữa trời và khi bất kỳ người nào có trong tay một mảnh (giấy) quyền sử dụng đất. Thời đại bóp ngộp thở Tam, xu thế đô thị hóa, đất đai là hàng hóa, thị trường địa ốc, cùng bất cứ ai, cả những người xưa giờ sống bên vòng tay nghĩa tình của dòng nước mát.

Cũng không thể trách những người bản địa nghèo bên suối bán đất tổ tiên để lại để sắm sửa, đổi đời, để đưa mình hội nhập, thành “thị dân”. Cũng khó để mà trách ai đó nhanh tay thức thời lập nên khu tham quan du lịch mang tên “Ko Tam” ở gần chỗ đầu nguồn, dù họ chặn cả Tam lại để tạo nên hồ sinh cảnh, bán vé vào cửa, và không mấy người buôn Ko Tam được vào làm ở đấy. Bà con Ko Tam vẫn biết ơn cây cà phê, đi rẫy, hàng ngày. Bà con Ko Tam vẫn ra Ea K’ha luôn có H’Nhul ở đó để lấy nước, hằng ngày.

 Phố thị định hình như thế giờ là hết đường lùi. Tam giờ như “xác” suối. Nếu có hoàn toàn chết, về mặt sinh học, thì chắc chắn tên “ Ea Tam” vẫn còn mãi mãi. Thời đại đã không cứu được Tam thì một hoang sĩ như ta nghĩa lý gì. Từ miền duyên hải xa xôi, ta lên kể chuyện về Tam đã là quá nông nổi rồi. Tam đâu cần thế và cũng chẳng ai mướn. Có thể vì nông nổi mà ta thấy chuyện đời của Tam.

*

 Hai nàng mẫu hệ đầu và cuối nguồn. Kẻ này định một ngày làm sao đó để cho hai nàng gặp nhau, cho Giọt Nước nhận ra nhau. Nhưng như thế này thì nhỡ H’Nhul bẽ bàng thì tội nghiệp quá. Thôi, mình ta chạy lên đầu nguồn vậy.

 Ta bụm những vốc nước ở Ea K’ha của Ko Tam đưa lên, rưới vào mặt. Nước đầu nguồn mát tươi, làm tê dại mắt môi. Ta cũng tranh thủ uống thật nhiều, cho giọt nước mát đó thấm vào bên trong. Ngọt lịm, kiểu ngọt không thể tả được đâu. Giờ thì mới biết vì sao người buôn Ko Tam lấy nó về để dành uống sống, còn bếp núc, giặt giũ là dùng nước giếng. Ai cho nước đóng chai Lavie, Vital, Aquafina, Vĩnh Hảo thì cảm ơn, mang nấu cơm, chủ yếu lấy vỏ chai để đi lấy nước ở Ea K’ha thôi. Cái thứ nước thấu trong lòng đất, rễ cây, kéo cái sợi dây thói quen nghĩa tình sâu bao đời nối lại. Họ phải uống “quê hương” mình thì mới đã, thỏa. Bỗng thương H’Mir quá, hôm nay không biết nàng có phải đi nhặt xác vật chết dồn vào bờ suối sau nhà để chôn và mùi của Tam có bớt hôi hám như mọi ngày không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm