1 bệnh viện tại TP.HCM tiếp tục có 3 ca ghép gan kỷ lục

(PLO)- Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa thực hiện 3 ca ghép gan kỷ lục chỉ trong 6 ngày, tiến tới ghép tạng mỗi ngày.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-11, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tổ chức Hội nghị khoa học ghép tạng trẻ em.

Cách 1 ngày ghép 1 ca gan

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ sau khi được Bộ Y tế chính thức cấp giấy phép đủ điều kiện ghép mô tạng từ tháng 4-2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tăng tốc trong ghép tạng, nỗ lực đáp ứng nhu cầu ghép tạng của người dân.

Chỉ trong một năm, bệnh viện thực hiện được hơn 20 ca ghép gan và thận, so với trước đây thì con số này phải được tích lũy trong vòng 20 năm. Riêng về ghép gan, tính đến cuối tháng 11-2024, bệnh viện đã ghép được 45 ca ghép gan.

thực hiện một ca ghép gan - 1
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang thực hiện một ca ghép gan cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

“Điều kỷ lục là mới đây, cứ cách một ngày là bệnh viện thực hiện được một ca ghép gan. Cụ thể, vào thứ 6 tuần trước (22-11), bệnh viện đã ghép một ca gan. Đến thứ 2 và thứ 4 tuần này tiếp tục ghép lần lượt 2 ca gan, dưới sự hỗ trợ của giáo sư nước ngoài từng có kinh nghiệm ghép hàng ngàn ca” - bác sĩ Thạch nói.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết 3 ca ghép gan cách ngày đó là 3 bệnh nhi đều mắc bệnh lý teo đường mật, đã phẫu thuật Kasai và được chỉ định ghép gan.

Theo đó, bệnh nhi thứ nhất vừa được ghép gan là NĐHM (nữ, sinh năm 2021, ngụ Bình Dương), bệnh nhi thứ hai được ghép gan là NXĐ (nam, sinh năm 2023, ngụ TP.HCM) và bệnh nhi thứ ba là TQH (nam, sinh năm 2023, ngụ Bình Phước).

“Đánh giá bước đầu, 3 ca ghép gan này đều thành công. Hiện tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi ổn định, không sốt và dần hồi phục, cho tập ăn trở lại” - bác sĩ Khánh chia sẻ.

Trước đó 1 tháng, lần đầu tiên BV Nhi Đồng 2 thực hiện ghép gan cho 3 trẻ/tuần, mỗi ca cách nhau chỉ có 2 ngày.

ca-ghep-gan3.jpg
Hội nghị ghép tạng trẻ em Bệnh viện Nhi đồng 2 năm 2024. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tiến tới ghép tạng mỗi ngày

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Phạm Ngọc Thạch cho biết trung tâm ghép tạng kỹ thuật cao của bệnh viện đang được xây dựng đúng tiến độ. Bệnh viện liên tục cử các bác sĩ, kỹ thuật viên đi học bên Úc, Bỉ. Bệnh viện cũng mời các giáo sư quốc tế và trong nước đến để tăng cường số ca ghép.

Theo đó, sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và con người hiện đang được đồng bộ. Nếu không có gì thay đổi, dịp chào mừng 30-4 và 1-5-2025, bệnh viện sẽ khánh thành Trung tâm ghép tạng kỹ thuật cao. Mục tiêu đến khi khánh thành sẽ cán mốc 50 ca ghép gan.

Bác sĩ Thạch cho biết thêm, dù hiện nay có thể thực hiện nhiều ca ghép nhưng ê-kíp về hồi sức, phòng mổ đang quá tải. Do đó dù ghép liên tiếp nhiều ca mỗi tuần là tốc độ bệnh viện mong muốn nhưng để đảm bảo an toàn cho tất cả các bộ phận gây mê hồi sức, hậu cần, bệnh viện phải kiềm lại. Tăng tốc ghép nhưng phải điều phối ghép để vừa đảm bảo nhu cầu ghép cho bệnh nhân, vừa đảm bảo tính an toàn về khả năng chịu tải của bệnh viện.

IMG_6743.JPG
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiến tới ghép tạng thường quy, hướng tới mỗi ngày đều có ca được ghép. Ảnh: BVCC

“Chúng tôi rất mong chờ sau khi khánh thành trung tâm ghép tạng, với cơ sở vật chất hiện đại, số lượng phòng mổ được đáp ứng, bệnh viện sẽ ghép tạng ở tốc độ tối đa, dự kiến mỗi tháng số lượng ghép sẽ tăng lên mười mấy ca. Lúc đó hoạt động ghép tạng của bệnh viện sẽ trở thành thường quy, hướng tới mỗi ngày đều có ca được ghép” - bác sĩ Thạch chia sẻ.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay trên thế giới hầu hết ghép tạng từ người hiến chết não, kế đến là người hiến chết tim, ghép từ người cho sống rất ít. Tại Việt Nam, tỉ lệ ghép tạng từ người hiến chết não rất thấp, đi ngược lại thế giới, chỉ chiếm khoảng 10%.

Tính đến tháng 9-2024, Việt Nam có khoảng hơn 9.000 ca ghép tạng, trong đó ghép thận chiếm 91,6%, tiếp đến là ghép gan cũng tăng lên.

Theo bác sĩ Sâm, hiện nay trong ghép thận tại nước ta có nhiều thách thức, đặc biệt là thiếu hụt nguồn thận ghép. Phải ghép thận trên các đối tượng nguy cơ cao về mặt miễn dịch cũng là một khó khăn.

Ngoài ra, biến chứng sau ghép thận vẫn còn rất nan giải, chẩn đoán thải ghép cấp rất khó. Có những ca nhiễm trùng rất nặng nhưng chẩn đoán không ra hay việc bệnh thận tái phát cũng gây khó khăn trong ghép thận.

Phát triển trung tâm điều phối ghép tạng

Để phát triển công tác ghép tạng, cần đặc biệt quan tâm phát triển trung tâm điều phối. Hệ thống điều phối cần được đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra cần đào tạo đội ngũ điều phối làm việc chuyên nghiệp.

Để khuyến khích phát triển ghép tạng, cũng cần đầu tư kinh phí cho nhân viên, người phát hiện người hiến, cho hoạt động quản lý hiến tạng và sự phục hồi tạng.

Đặc biệt, phải thống nhất các tiêu chuẩn về lựa chọn tạng ghép, có phần mềm hỗ trợ và lập danh sách chờ ghép đồng bộ các chuyên khoa. Cuối cùng, cần bổ sung sửa đổi luật hiến ghép tạng cho phù hợp.

PGS.TS.BS THÁI MINH SÂM, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm