Lần đầu Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện 3 ca ghép gan trong 1 tuần

(PLO)- Lần đầu tiên, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện 3 ca ghép gan cho bệnh nhi chỉ trong 1 tuần, tiến tới ghép nhiều ca hơn nữa khi khánh thành trung tâm ghép tạng vào năm sau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 17-10, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tổ chức buổi chia sẻ thông tin về những ca ghép gan tại bệnh viện thời gian qua.

Kỷ lục ghép gan liên tục 3 ca/tuần

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa Gan mật tụy và ghép gan (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết bệnh viện thực hiện ca ghép gan đầu tiên vào năm 2005. Sau 15 năm, tức đến năm 2020, bệnh viện ghép thêm 13 ca.

Từ năm 2021-2024, số ca được ghép gan là 28. Chỉ tính riêng tháng 8-2024, bệnh viện thực hiện được 4 ca. Như vậy, đến nay bệnh viện đã thực hiện được 42 ca ghép gan. Mục tiêu đến 30-4-2025 sẽ ghép được 50 ca.

Theo bác sĩ Khánh, hiện số trẻ có chỉ định ghép gan tại bệnh viện là hơn 100 bé. Trước đây, bệnh viện chỉ ghép 1-2 ca/tháng, đến nay con số này tăng lên rất nhiều. Điển hình, lần đầu tiên nơi đây ghép gan cho 3 trẻ/tuần, mỗi ca cách nhau chỉ có 2 ngày.

ca ghép gan - 2
Lần đầu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thực hiện 3 ca ghép gan chỉ trong một tuần. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi TY (sinh năm 2017, quê Bình Dương) là một trong 3 ca kể trên. Bệnh nhi được chẩn đoán bị xơ gan, nhiều lần nhập viện vì biến chứng. Bệnh nhi có chỉ định ghép gan từ lâu, đã chờ gần 1 năm. Sau đó, bệnh nhi được ghép gan từ người thân, hiện bệnh nhi đã xuất viện.

Ca ghép gan thứ 2 trong chuỗi 3 ca/tuần là HQ (sinh năm 2022), một ca khá đặc biệt khi được ghép gan lúc mới gần 2 tuổi,. Bệnh nhi được chẩn đoán bị xơ gan, teo đường mật. Theo y khoa, khi teo đường mật giai đoạn cuối, dù phẫu thuật hay không cũng có chỉ định ghép gan.

Bệnh nhi Q còn mắc chứng rối loạn tâm thần vận động, ê-kíp bệnh viện phải hội chẩn với các giáo sư nước ngoài để đưa ra những chỉ định và thời điểm thích hợp. Sau ghép, sức khỏe bệnh nhi ổn định, đã được xuất viện.

Còn bệnh nhi KMK (sinh năm 2012) được ghép gan lúc hơn 3 tuổi. Bệnh nhi này cũng bị teo đường mật, xuất huyết tiêu hóa phải nhập cấp cứu nhiều lần. Mỗi lần như vậy, bác sĩ phải truyền máu và điều trị nâng đỡ để chờ đợi bệnh nhi được ghép gan. Hiện bệnh nhi đã được ghép gan từ người thân, sức khỏe ổn định, đã xuất viện.

ca-ghep-gan-3.jpg
Danh sách những ca ghép gan đang chờ tại bệnh viện đã hơn 100 ca. (Ảnh minh họa: BVCC)

Sẽ ghép nhiều hơn khi có trung tâm ghép tạng

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan mật tụy và ghép gan (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết để 1 tuần có thể làm 3 ca ghép gan, các chuyên gia đã phải sắp xếp, chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Đây là kỳ tích đáng mừng, vì hiện nay để theo dõi một bệnh nhân sau ghép tốn rất nhiều thời gian. Có ca nằm viện hơn 1 tháng nên phải đợi bệnh nhân xuất viện mới sắp xếp thêm bệnh nhân khác.

Đó là lý do bệnh viện thành lập trung tâm ghép tạng tiến tới ghép được nhiều ca hơn trong tương lai. Dự kiến tháng 11-2024, bệnh viện sẽ ghép 4 ca. Nếu cơ sở vật chất và điều kiện cho phép sẽ ghép được nhiều hơn, đáp ứng được phần lớn nhu cầu ghép tạng ở khu vực phía Nam.

“Tôi rất mong chờ khánh thành khu nhà mới để đáp ứng điều kiện ghép tạng cho trẻ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều trẻ có chỉ định ghép tạng” - bác sĩ Trí nói.

Theo đó, việc ghép gan tại bệnh viện không phải đơn giản. Có những bệnh nhân phải chuẩn bị cả năm, hội chẩn nhiều lần để có thể đưa ra chỉ định ghép gan đúng và thời điểm ghép phù hợp.

Chưa hết, còn có cả khó khăn trong điều hành và tổ chức thực hiện. Bệnh viện phải phối hợp, điều động, sắp xếp nhân sự từ các nguồn khác nhau, kể cả từ nước ngoài, rồi chuẩn bị trang thiết bị, sắp xếp hoạt động của các khoa liên quan.

“Hiện nay, bước tiến đáng mừng trong việc ghép gan tại bệnh viện là chạy quy trình trơn tru. Nếu sau này có ghép gan cấp cứu cho nhiều ca một tuần thì bệnh viện vẫn có thể chạy được vì đã có kinh nghiệm' - bác sĩ Trí chia sẻ thêm.

ca-ghep-gan-1.jpg
Bệnh viện Nhi đồng 2 sắp khánh thành trung tâm ghép tạng để thực hiện nhiều ca ghép gan, thận... hơn nữa. Ảnh: BVCC

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, chia sẻ từ sau khi được Bộ Y tế chính thức cấp giấy phép đủ điều kiện ghép mô tạng từ tháng 4-2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tăng tốc trong ghép tạng và có những kết quả đáng ghi nhận.

“Năm sau hy vọng sẽ khánh thành trung tâm ghép tạng đúng tiến độ, khi đó nhiều bệnh nhi sẽ được ghép tạng hơn, đây là hy vọng chung cho các trẻ chờ ghép tạng ở cả khu vực miền Nam” - bác sĩ Vinh bày tỏ.

Khó khăn lớn nhất trong ghép tạng hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng hiến. Nếu nguồn tạng hiến càng phong phú thì công tác ghép tạng mới càng phát triển.

Ở nước ta đã có luật về người cho chết não là người lớn, nhưng chưa có quy định về nguồn tạng hiến từ người cho chết não là trẻ em. Ở các nước trên thế giới, tất cả các lứa tuổi đều có thể lấy được tạng.

Nếu nguồn hiến phong phú, BHYT chấp nhận chi trả tất cả chi phí liên quan đến ghép thì việc ghép tạng tại nước ta mới phát triển được, từ đó nhiều bệnh nhân sẽ có cơ hội được cứu sống.

ThS.BS PHAN TẤN ĐỨC, Trưởng khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm