Chiều 16-10, tại UBND TP.HCM diễn ra cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch sởi ở TP.HCM.
Số ca sởi ở TP.HCM giảm chậm
ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết tại TP.HCM, tính đến ngày 13-10-2024, số ca sởi tích lũy là 1.079 ca, trong đó có 4 ca tử vong.
Nhóm tuổi có số ca mắc cao nhất là 1-5 tuổi; nhóm 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tăng rất cao.
Đáng lưu ý, nhóm từ 11-17 tuổi số ca mắc đang tăng rất nhanh; nhóm trên 18 tuổi cũng có dấu hiệu tăng.
16/22 quận huyện ghi nhận số ca mới trong tuần tăng cao so với trung bình 4 tuần trước. Không có quận huyện nào đủ 3 tuần liên tiếp không ghi nhận ca bệnh nên chưa thực hiện quy trình công bố hết dịch.
Cạnh đó, gần 20% trẻ sống tại TP nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống không thuộc TP, các trạm y tế phường xã không phát hiện và theo dõi được tình trạng tiêm chủng.
Chính vì vậy, dù tỉ lệ tiêm chủng trên hệ thống là trên 99% nhưng tỉ lệ bao phủ vaccine thực sự có thể chưa đạt 95%.
Sót lọt đối tượng cần tiêm chủng
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết chiến dịch tiêm vaccine sởi ở TP.HCM được đẩy tốc độ rất nhanh. Đến nay toàn TP đạt hơn 99% tỉ lệ bao phủ vaccine sởi.
Dù TP đã đạt tỉ lệ bao phủ, sẽ không có nguy cơ bùng phát dịch nhưng hiện vẫn xuất hiện những ca rải rác ở nhiều địa bàn, đây hầu hết là hết là những ca chưa được tiêm vaccine.
Sắp tới ngành y tế TP sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng đích cần tiêm. Từng địa phương cần rà soát và lập danh sách thực tế để ngành y tế cập nhật nhằm quản lý tốt hơn trong phòng chống nhiều dịch bệnh khác.
“Hy vọng có sự phối hợp của chính quyền địa phương để tất cả người dân trên địa bàn TP được quản lý một cách phù hợp. Từ đó không chỉ giúp ích cho chiến dịch tiêm chủng mà còn giúp cho các chương trình sức khỏe sau này” - bác sĩ Châu nói.
Xuất hiện ổ dịch sởi ở người lớn
ThS.BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (Viện Pasteur TP.HCM), cho hay hiện nay tình hình sởi ở 19 tỉnh khu vực phía Nam (trừ TP.HCM) đang tăng nhanh.
Trên 50% số ca sởi được phát hiện và được điều trị tại TP. Ngoài ra các trường hợp bệnh nhi nặng, có bệnh nền cũng được chuyển từ các tỉnh lên TP điều trị rất nhiều. Chính điều này khiến tỉ lệ mắc sởi ở TP.HCM nhưng không phải người dân của TP vẫn còn rất cao.
“Khi đi kiểm tra tại các tỉnh, có một hiện tượng là y tế hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo của giáo viên chủ nhiệm. Thế nhưng nhiều giáo viên chỉ hỏi phụ huynh đã tiêm cho trẻ chưa nhưng không kiểm tra có sổ tiêm chủng. Dẫn đến nhiều cha mẹ không khai đúng hoặc quên, khiến sót lọt trẻ cần tiêm.
Theo đó, hiện TP đã tăng tỉ lệ tiêm chủng, nhưng tỉ lệ mắc sởi ở nhóm tuổi đích từ 1-10 tuổi vẫn còn cao, chưa đạt kết quả như mong đợi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, khi tổ chức chiến dịch tiêm chủng thì 3 tuần sau số ca mắc bệnh sẽ giảm rõ. Thế nhưng TP.HCM đã vượt quá 3 tuần nhưng số ca ở nhóm tuổi đích vẫn giảm chậm.
“Ở các tỉnh có số ca tăng, đã xuất hiện ổ dịch ở người lớn trong nhà máy, xí nghiệp. Do vậy đề nghị TP.HCM tăng cường giám sát ca bệnh ở công ty, nhà máy, xí nghiệp để kịp thời phát hiện ổ dịch ở người lớn” - ông Quang đề xuất.
Phấn đấu sớm công bố hết dịch
Từ sau khi TP công bố dịch, đến hiện tại tỉ lệ tiêm chủng đã đạt tỉ lệ nhất định. Tuy nhiên, số ca bệnh ở nhóm từ 1-10 tuổi vẫn chưa có xu hướng giảm cho thấy chúng ta thực hiện chưa có kết quả tốt.
Các quận, huyện cần tự rà soát và tổ chức liên ngành phù hợp; cần thống nhất trẻ đã nhiễm bệnh trong thời điểm có dịch sởi với các triệu chứng lâm sàng là sởi thì phải gọi là sởi, không nên yêu cầu phải đi xét nghiệm thẩm định.
Cạnh đó, 6 quận/huyện, TP Thủ Đức có tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng số ca nhiễm cũng vẫn cao cần phải xem đây là trọng trách và cố gắng hơn, phấn đấu để sớm công bố hết dịch.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM