Tăng phụ cấp cho nhân viên y tế là cần thiết

(PLO)- Mức phụ cấp mổ, tiền trực hiện quá thấp, không còn phù hợp, Bộ Y tế cho rằng cần  tăng phụ cấp cho nhân viên ngành y tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk), bác sĩ Đặng Văn Hoàng chia sẻ số lượng bệnh nhân của bệnh viện này tập trung đông đúc nhất ở khoa Ngoại – Tổng hợp. Các y bác sĩ phải làm việc liên tục để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Cần điều chỉnh tăng để phù hợp thực tế

Bác sĩ Hoàng về công tác ở bệnh viện đã 4 năm, mỗi ca phụ mổ được nhận phụ cấp từ 30.000- 90.000 đồng. Tổng thu nhập gồm lương, phụ cấp và các khoản khác nếu khéo chi tiêu cũng ở mức vừa đủ cho cuộc sống.

Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp mổ, phụ cấp trực cho nhân viên y tế
Các bác sĩ khoa Ngoại - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sau khi thực hiện thành công ca phẫu thuật. Ảnh: VD

Với 10 năm làm điều dưỡng ở khoa Ngoại – Tổng hợp, chị Lê Thanh Trâm, cho hay mức phụ cấp từ thực hiện thủ thuật như thay băng, thông tiểu… không bao nhiêu. Nếu nhiều, mỗi tháng được chừng 200.000 đồng, tháng rồi chị chỉ được nhận 100.000 đồng do ít việc hơn những tháng trước.

Bác sĩ chuyên khoa II Đào Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại - Tổng hợp của bệnh viện, cho biết đã nắm được thông tin Bộ Y tế đề xuất tăng chế độ phụ cấp cho nhân viên ngành y tế.

Theo ông Dũng, mức phụ cấp cũ đã thực hiện được 13 năm trong khi vật giá ngày càng leo thang. Đây là bất cập và cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Nếu đề xuất được thông qua chắc chắn sẽ mang lại niềm vui, sự động viên lớn cho nhân viên ngành y tế. Cũng phải nói rõ là thu nhập chính của anh em thì lương vẫn là cơ bản nhất, còn các khoản phụ cấp chỉ là khoản tăng thêm để cải thiện cuộc sống mà thôi” - ông Dũng nói.

Nếu đề xuất này của Bộ Y tế được thông qua sẽ là nguồn động viên lớn cho nhân viên y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Với trạm y tế xã, được điều chỉnh tiền trực tăng gấp 3 (từ 25.000 đồng lên 75.000 đồng) là điều đáng mừng. Thu nhập tăng sẽ phần nào giúp hệ thống y tế cơ sở của TP tuyển thêm được nhân lực.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Một trưởng trạm y tế phường ở TP.HCM chia sẻ, phụ cấp ca trực 24/24 ở trạm y tế hiện là 25.000 đồng nhân 0.5 (ngày thường); thứ 7 và Chủ nhật nhân 1.3, cộng thêm 15.000 tiền ăn; ngày lễ nhân 1.8, cộng 15.000 đồng tiền ăn.

“Phụ cấp nói riêng và mức đãi ngộ nói chung với bác sĩ mới ra trường về làm ở trạm y tế rất thấp, khó thu hút và giữ chân nhân lực” – vị này thẳng thắn.

Tăng phụ cấp là cần thiết, nhưng… tiền ở đâu?

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và ông Trịnh Hồng Nhựt, Giám đốc bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, chia sẻ thông tin đề xuất tăng phụ cấp cho nhân viên y tế là tin rất mừng.

Tuy nhiên, đối với bệnh viện tự chủ thì việc này sẽ tăng thêm gánh nặng vì phải tăng chi, trong khi nguồn thu chính là từ viện phí vẫn giữ nguyên.

bo y te de xuat tang phu cap nganh y te.jpg
Người dân đang chờ khám bệnh tại một cơ sở y tế tại TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Còn ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, tiền phụ cấp mổ, phụ cấp trực cho nhân viên y tế hiện không còn phù hợp. Khoản này được điều chỉnh tăng là tín hiệu mừng cho ngành y nói chung, thêm chút cải thiện cho đời sống nhân viên ngành y. Tuy vậy, việc này cũng đặt ra bài toán lớn ở các bệnh viện tự chủ, do đó rất cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Y tế.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Thuận, cũng cho rằng đề xuất tăng phụ cấp trực, phụ cấp mổ cho nhân viên y tế là rất cần thiết, phù hợp với thực tế phát triển xã hội.

“Mức phụ cấp cũ đã áp dụng quá lâu rồi, đến giờ không còn đúng với giá trị công việc nữa” - ông Thuận nói.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, để đề xuất này toàn diện hơn, Bộ Y tế cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết, cụ thể về tác động của đề xuất, bởi câu hỏi đặt ra là nếu tăng mức phụ cấp thì nguồn chi từ đâu?

“Về bản chất, phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật hiện đã được bao gồm trong cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh, viện phí. Như vậy, khi tăng mức phụ cấp, để bệnh viện không gặp khó khăn, cần phải thực hiện 2 phương án: điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, viện phí hoặc phải có nguồn ngân sách nhà nước bù vào khoản tăng đó” - ông Thuận giải thích.

Theo ông Thuận, nếu nguồn tiền để tăng mức phụ cấp là nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh, viện phí của chính các bệnh viện, nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh giữ nguyên, thì các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Còn nếu cứ triển khai theo đề xuất trong trường hợp được thông qua, cơ sở y tế nào không có đủ nguồn để tăng mức phụ cấp thì ngân sách nhà nước sẽ cân đối và bù vào, nhưng nếu khoản cấp bù này không kịp thời cũng có thể khiến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bị ảnh hưởng.

Phụ cấp trực, phụ cấp mổ được đề xuất tăng 2-3 lần

Phụ cấp trực 24/24 giờ, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức tiền từ 115.000 đồng/người/phiên trực lên 325.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Bệnh viện hạng II tăng từ 90.000 đồng lên 255.000 đồng. Các bệnh viện còn lại tăng từ 65.000 đồng lên 185.000 đồng.

Trạm y tế xã cũng được điều chỉnh tăng gấp 3 từ mức tiền từ 25.000 đồng lên 75.000 đồng.

Phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, Bộ Y tế đề xuất phẫu thuật viên chính của ca mổ loại đặc biệt có mức phụ cấp 280.000 đồng, đề xuất mới tăng gấp 3 lần lên 510.000 đồng. Với ca mổ loại I, loại II, loại III, mức tăng cho phẫu thuật viên chính lần lượt là 230.000, 120.000 và 95.000 đồng.

Người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính trong ca mổ loại đặc biệt hiện hưởng 280.000 đồng. Theo đề xuất, mức phụ cấp này sẽ tăng lên 565.000 đồng. Với ca mổ loại I, loại II, loại III, mức tăng cho nhóm này lần lượt là 130.000, 80.000 và 35.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm