Tại buổi chia sẻ về tình hình ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chiều 10-7, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vân Khánh, Phó khoa Gan - Mật - Tụy và ghép gan, cho biết bệnh viện vừa thực hiện ca ghép gan thành công cho bệnh nhi mắc hội chứng Budd Chiari rất hiếm gặp.
Trẻ đầu tiên mắc hội chứng Budd Chiari được ghép gan tại Việt Nam
Bệnh nhi (hơn 3 tuổi, ngụ Bình Thuận) lần đầu nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị khi mới 14 tháng tuổi.
Trước đó, bệnh nhi đã trải qua 3 lần xuất huyết tiêu hóa và có tình trạng báng bụng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, kết quả chụp CT phát hiện bệnh nhi tắc hoàn toàn tĩnh mạch cửa dưới gan.
Kết quả sinh thiết gan phát hiện bệnh nhi bị xơ gan, nhu mô gan thoái hóa gây xuất huyết nhiều, chẩn đoán mắc hội chứng Budd Chiari.
Theo các bác sĩ, đây là hội chứng rất hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới. Gan được nuôi hoàn toàn qua tĩnh mạch, hội chứng Budd Chiari gây tắc tĩnh mạch gan, khiến gan bị tắc mạch máu, gây ra các tình trạng nguy kịch cho bệnh nhân, kể cả sau khi đã được ghép tạng.
Bệnh nhi là trường hợp đầu tiên mắc hội chứng này được ghép gan tại Việt Nam. Mẹ ruột là người hiến một phần lá gan cho bệnh nhi.
BS CKII Bùi Hải Trung, Phó khoa Gan - Mật Tụy và Ghép gan, cho hay 2 năm qua, bệnh nhi liên tục phải nhập viện, được điều trị nội khoa bảo tồn, ít xâm lấn nhất có thể bằng phương pháp nội soi và dùng thuốc.
Quá trình điều trị, các bác sĩ cũng phát hiện trẻ có đột biến gene dẫn đến tăng đông mạch máu.
Đến năm nay, bệnh nhi có biến chứng suy gan, xơ gan, được chỉ định phẫu thuật ghép gan.
Với tình trạng bệnh đặc biệt, khác hẳn so với những ca ghép gan trước đây, bệnh nhi có cấu trúc mạch máu bất thường, dẫn đến việc phẫu thuật rất khó khăn. Ngoài ra, tình trạng bị tăng đông mạch máu có thể có huyết khối sau ghép, cần phải dùng thuốc kháng đông kéo dài.
“Đây là một ca ghép gan khó, nhiều thử thách. Để chuẩn bị cho ca ghép, khoa Gan - Mật - Tụy và ghép gan phải hội chẩn trong 2 tháng với chuyên gia từ Bỉ. Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 1-7.
Đến ngày thứ 8 sau ghép, tình trạng bệnh nhi ổn định, được tiếp tục theo dõi tại khoa” - bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy và ghép gan, đánh giá về ca bệnh.
Tiến tới ghép gan cho trẻ ung thư
TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ năm 2005-2020, bệnh viện chỉ làm được 12 ca ghép gan, như vậy mỗi năm chỉ được khoảng 1 ca. Điều này nói lên tính khó khăn, phụ thuộc về chuyên môn, cơ sở vật chất, êkíp trong ghép gan tại bệnh viện.
Từ sau năm 2020, trừ hai năm đại dịch COVID-19, 2 năm còn lại bệnh viện làm được 24 ca ghép gan, đây là bước đột phá về số lượng ca.
Đặc biệt, sau khi được Bộ Y tế công nhận là cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não, bệnh viện đã làm được một loạt 3 ca ghép tạng.
Tính tới hiện tại, trong vòng 19 năm qua, bệnh viện đã thực hiện được 36 ca ghép gan và 30 ca ghép thận.
“Trước đây mỗi lần ghép, bệnh viện huy động nhân lực rất khó khăn, còn bây giờ mọi thứ dễ dàng hơn.
Theo dự kiến, trong tháng sau tốc độ ghép gan sẽ tăng lên 3 ca/tháng. Chúng tôi cảm thấy cần cố gắng nhiều hơn để tăng tốc nhằm đáp ứng nhu cầu ghép gan ngày càng cao của bệnh nhân” - bác sĩ Thạch nói.
Phó giám đốc bệnh viện cho biết thêm, dự kiến ngày 30-4-2025, bệnh viện sẽ khánh thành trung tâm ghép tạng trẻ em. Mục tiêu của bệnh viện từ giờ tới thời điểm đó là thực hiện được 50 ca ghép gan, nghĩa là phải ghép 14 ca nữa trong khoảng chưa đầy 10 tháng tới.
“Trước đây việc gián đoạn ghép gan tại bệnh viện do thiếu cơ sở vật chất, sự thẩm định của đề án, một số chứng chỉ và nhân lực. Hiện tại bệnh viện đã có những phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, nhân lực được đào tạo liên tục, bài bản tại các trung tâm hàng đầu thế giới về ghép gan nên hầu như làm chủ các công đoạn ghép. Tuy nhiên với những ca quá phức tạp vẫn cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.
Tương lai khi Trung tâm ghép tạng trẻ em hoàn thành, ngoài ghép gan và thận, bệnh viện còn hướng tới ghép các cơ quan khác, đặc biệt sẽ phấn đấu ghép tim cho bệnh nhi” - bác sĩ Thạch chia sẻ.