Chia sẻ thông tin với báo chí ngày 7-5, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép tạng khó khăn nhất.
Quyết định khó khăn
Nữ bệnh nhân nhập Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng thập tử nhất sinh, được các bác sĩ chẩn đoán suy gan tối cấp.
Bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt: bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh, đã được phẫu thuật nhiều lần. Cạnh đó, bệnh nhân bị hiếm muộn, đã 4 lần dùng phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) nhưng đều thất bại. Không những thế, thuốc IVF đã ảnh hưởng rất lớn tới bệnh gan của chị.
PGS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng - Bệnh viện Việt Đức, cho biết một tuần sau tiêm thuốc IVF, bệnh nhân rơi vào tình trạng rất mệt mỏi, vàng da ngày càng tăng, chức năng gan và nhận thức giảm, sốt cao, lơ mơ.
“Tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân được chẩn đoán suy gan tối cấp, cần phẫu thuật ghép gan cấp cứu, nếu không sẽ tử vong” - bác sĩ Nghĩa nói.
Chồng của bệnh nhân sẵn sàng hiến gan nhưng không trùng nhóm máu. Đúng lúc đó, có người hiến tạng tương đồng về tuổi và nhóm máu, mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân.
Ngay lập tức, TS Dương Đức Hùng đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn để triển khai ca ghép cho bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp.
“Bệnh nhân ở tình trạng tối cấp, hôn mê, phải thở máy; não, thận và gan đều hỏng. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị máu khó đông, mà trong ghép tạng thì tình trạng này là vô cùng nguy hiểm vì sẽ gây mất máu” - ông Hùng cho biết thêm.
Các chuyên gia đều đánh giá ca ghép tiên lượng rất nặng, gan của bệnh nhân đã hoại tử 85%, phổi và não tổn thương nặng, ảnh hưởng đến sự thành công của ca ghép. Trong khi đó, danh sách chờ ghép còn rất nhiều người. Nếu ca này không thành công có thể làm mất cơ hội của những bệnh nhân khác.
“Chúng tôi đã có những quyết định khó khăn vô cùng, nhưng dựa trên tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân và tự tin về năng lực chuyên môn của thầy thuốc, về trang thiết bị đang có, hội đồng đã quyết tâm cứu bệnh nhân” - TS Dương Đức Hùng nói.
9 tiếng trong phòng phẫu thuật
PGS-TS Lưu Quang Thuỳ - Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức, cho biết trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 1.400 ml máu và 1.400 ml huyết tương tươi đông lạnh, sử dụng thuốc vận mạch liều cao.
Ca phẫu thuật kéo dài suốt 9 giờ đồng hồ. Sau ghép, chức năng của gan ghép phục hồi.
Cũng theo bác sĩ Thùy, trong các ca ghép gan thông thường sẽ không dùng kháng sinh mạnh như đối với ca này. Do bệnh nhân này từng nằm hồi sức, trước khi mổ - ghép tạng đã nhiễm trùng, hôn mê cấp, suy gan tối cấp nên khả năng nhiễm khuẩn cao. Do vậy đã được chỉ định dùng kháng sinh sớm, mang lại hiệu quả cao.
Ngày thứ 2 sau ghép, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân được kiểm soát, chức năng gan cải thiện, chức năng phổi cũng được cải thiện.
Ngày thứ 3, bệnh nhân tỉnh táo, rút nội khí quản. Đến ngày thứ 4, kết quả chụp phổi cho thấy phổi tốt hơn nhiều.
Ngày thứ 5, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, được dùng thuốc chống đông, tập phục hồi chức năng. Chức năng gan tốt lên nhiều.
“Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, có thể ngồi nói chuyện. Đến hôm nay, chúng tôi khẳng định ca ghép gan đã thành công” - bác sĩ Thuỳ thông tin.
BS Thuỳ chia sẻ thêm, đây là ca ghép khó khăn nhất vì bệnh nhân yếu nhất trong số các bệnh nhân từng được ghép tạng. Bệnh nhân đã ở trong tình trạng nguy kịch, bị suy gan tối cấp, nguy cơ tử vong rất cao nên công tác gây mê vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải tìm mọi cách để giúp cho phổi không bị tổn thương thêm, bảo vệ chức năng tạng.
Thành công của ca ghép này một lần nữa cho thấy trình độ ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức đã đạt tầm thế giới, đồng thời cho thấy công tác tổ chức phối hợp ghép tạng ngày càng chặt chẽ, khoa học. Đây là cơ sở để bệnh viện cứu sống nhiều bệnh nhân.
TS DƯƠNG ĐỨC HÙNG - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức