Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan chức năng. Dự kiến luật này sẽ thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua năm 2000.
Bí mật nhà nước là gì?
Theo dự thảo, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng được quy định bằng danh mục bí mật nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của luật này, thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế và các lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa công bố, nếu bị lộ, mất sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Trong đó, thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu, lời nói, địa điểm tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân soạn thảo, ban hành, tạo ra.
Bí mật nhà nước được phân loại thành ba cấp độ mật: tuyệt mật, tối mật và mật.
Một bí mật nhà nước sẽ có thời hạn giải mật 20-40 năm, tùy thuộc vào độ mật (ảnh minh họa).
Bí mật nhà nước gồm những gì?
Những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, cụ thể:
1. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ trương, kế hoạch, phương án phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên, đối phó với chiến tranh.
2. Các chương trình nghiên cứu, sản xuất, phát triển, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị an ninh, quốc phòng phục vụ bảo vệ Tổ quốc.
3. Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ.
4. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối nội, đối ngoại và các vấn đề phải giữ bí mật theo cam kết với nước ngoài.
5. Các vấn đề liên quan đến các quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế và xã hội của đất nước chưa công bố.
6. Các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.
7. Các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu.
8. Các chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội; y tế; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông và các lĩnh vực khác chưa công bố.
Thời hạn giải mật là bao lâu?
Thời hạn giải mật bí mật nhà nước được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định căn cứ vào yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích của quốc gia, dân tộc, cụ thể: 40 năm đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật, 30 năm đối với bí mật nhà nước độ tối mật, 20 năm đối với bí mật nhà nước độ mật.
Thời hạn giải mật bí mật nhà nước được tính từ ngày ban hành, tạo ra bí mật nhà nước.
Trường hợp hết thời hạn, nếu xét thấy việc công khai nội dung bí mật nhà nước sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thì cơ quan ban hành, tạo ra bí mật nhà nước có quyền gia hạn tiếp.
Việc xem xét gia hạn thời hạn giải mật bí mật nhà nước phải được thực hiện trước khi hết thời hạn theo quy định và việc gia hạn có thể được thực hiện nhiều lần. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo mật theo quy định.