Ngày 15-4-2013, bà Nguyễn Thị Ngọc Điều nhận được văn bản của UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM thông báo bà H. (em bà Điều) đề nghị xem xét lại hồ sơ nhà, đất do bà Điều đang đứng tên sở hữu. Do vậy UBND quận đề nghị Sở Tư pháp ngăn chặn việc chuyển nhượng căn nhà này để chờ kết quả kiểm tra đơn.
Liên tục bị ngăn chặn
Gần hai tháng sau, xét thấy việc cấp giấy tờ nhà là đúng quy định nên Phòng TN&MT thuộc UBND quận Bình Thạnh có văn bản giải tỏa ngăn chặn.
Sau đó bà Điều ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà. Nhưng bà H. lại yêu cầu Phòng TN&MT quận Bình Thạnh ngăn chặn việc mua bán. Kèm theo đơn là thông báo thụ lý của TAND quận Bình Thạnh về việc bà H. yêu cầu UBND quận hủy giấy đỏ căn nhà đã cấp cho mẹ bà Điều giai đoạn trước khi căn nhà được chuyển quyền sở hữu cho bà Điều. Vì thế, ngày 5-8-2013, Phòng TN&MT quận tiếp tục có công văn yêu cầu ngăn chặn chuyển nhượng căn nhà. Lúc này bà Điều vi phạm hợp đồng đặt cọc nên phải bồi thường cho người mua nhà 50 triệu đồng.
Gần một tháng sau, TAND quận Bình Thạnh ra quyết định đình chỉ vụ án hành chính mà bà H. là người khởi kiện với lý do hết thời hiệu khởi kiện. Bà H. kháng cáo việc đình chỉ và cũng bị TAND TP.HCM bác kháng cáo. Thấy vậy bà Điều đã yêu cầu giải tỏa ngăn chặn nhưng Phòng TN&MT quận không trả lời.
Đến tháng 2-2014, bà H. lần thứ ba yêu cầu ngăn chặn căn nhà và nộp kèm thông báo thụ lý của TAND quận Bình Thạnh vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn bà H. và bị đơn là bà Điều. Trên cơ sở này, Phòng TN&MT quận đã có văn bản trả lời là không giải tỏa ngăn chặn theo yêu cầu của bà Điều.
Cho rằng mình bị ngăn chặn sai nên tháng 4-2014, bà Điều khởi kiện yêu cầu hủy công văn ngăn chặn ngày 5-8-2013 của Phòng TN&MT quận Bình Thạnh và bồi thường thiệt hại 50 triệu đồng. TAND quận Bình Thạnh cũng ra quyết định thụ lý vụ kiện này.
Bà Điều trình bày sự việc. Ảnh: YẾN CHÂU
Vì một câu trong công văn
Ngày 28-10-2015, Phòng TN&MT quận Bình Thạnh mời bà H. đến và yêu cầu bà phải cung cấp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa để có cơ sở duy trì việc ngăn chặn căn nhà mang tên bà Điều. Nếu quá thời hạn 15 ngày làm việc mà bà H. không có quyết định thì Phòng TN&MT quận sẽ đề nghị Sở Tư pháp giải tỏa ngăn chặn.
Hết thời hạn này, cuối tháng 11-2015, Phòng TN&MT quận đã có công văn đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM giải tỏa ngăn chặn với tài sản. Nhưng sau đó bà Điều vẫn thấy căn nhà của mình bị cấm chuyển dịch. Bà đến hỏi thì phía Sở trả lời rằng lý do không giải tỏa là đoạn cuối công văn của Phòng TN&MT quận có thông tin: Vụ án tranh chấp đã chuyển lên TAND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền.
Bà Điều không hiểu vì sao lại có sự bất nhất này nên quay lại Phòng TN&MT quận hỏi rõ lý do. Gần một năm sau, ngày 15-6-2016, Phòng TN&MT quận Bình Thạnh lại có công văn đề nghị Sở Tư pháp cập nhật thông tin giải tỏa, ngăn chặn đối với căn nhà. Chín ngày sau Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng của Sở Tư pháp có công văn trả lời rằng trong cơ sở dữ liệu không còn thông tin ngăn chặn liên quan đến căn nhà nữa.
“Chỉ muốn lưu ý thông tin…”
Ngày 19-6-2017, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm vụ bà Điều yêu cầu hủy công văn ngăn chặn của Phòng TN&MT quận.
Tại tòa, bà Điều cho rằng bà khởi kiện vì mấy năm trời nhà của bà liên tục bị ngăn chặn. Nhưng mỗi lần bà liên hệ xin biết thông tin thì đều rất khó khăn và cán bộ Phòng TN&MT quận có thái độ khó chịu với bà…
Trong khi đại diện Phòng TN&MT quận cho rằng khi có khiếu nại đến chuyển nhượng nhà, đất thì phải gửi cơ quan thanh tra xem xét, kết luận mất nhiều thời gian. Cạnh đó mỗi lần yêu cầu ngăn chặn bà H. đều gửi kèm thông báo thụ lý của tòa nên đủ cơ sở để xem xét. Đại diện cơ quan này cũng ghi nhận phản ánh của bà Điều về thái độ, cách cư xử của cán bộ, nhân viên…
Sau khi nghe ý kiến hai bên trình bày thì tòa đã kiên trì giải thích và cuối cùng bà Điều chấp nhận rút đơn khởi kiện, tòa đình chỉ vụ án.
Ngày 10-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Thanh (Phó phòng TN&MT quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết Điều 87 Nghị định 43/2014 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013) không quy định trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện thẩm tra giấy chứng nhận. Do đó trong thời gian chờ thanh tra thẩm tra, kết luận giấy chứng nhận của mẹ bà Điều cấp đúng hay sai thì phải ngăn chặn chuyển nhượng căn nhà để tránh phát sinh hậu quả về sau.
Trong công văn yêu cầu Sở Tư pháp giải tỏa ngăn chặn nhưng Phòng TN&MT quận nêu thông tin về việc vụ tranh chấp giữa bà H. với bà Điều đã chuyển lên TAND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền. Lý giải về việc này, ông Thanh nói: “Nội dung cả công văn là yêu cầu giải tỏa ngăn chặn giao dịch dân sự đối với nhà, đất của bà Điều. Câu văn cuối chỉ có ý nghĩa thông tin thêm về vụ tranh chấp nhà giữa bà H. và bà Điều để Sở Tư pháp lưu ý thông tin cho các bên tham gia giao dịch dân sự đối với nhà, đất nêu trên…”.
TAND TP.HCM đã thụ lý vụ kiện dân sự Đến thời điểm này thì căn nhà của bà Điều đã được giải tỏa ngăn chặn. Trong khi vụ kiện dân sự giữa bà H. là nguyên đơn kiện bà Điều tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì đã được TAND TP.HCM thụ lý giải quyết. Theo đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhận thấy vụ án có yếu tố nước ngoài nên ngày 21-7-2015, TAND quận Bình Thạnh đã chuyển hồ sơ vụ án đến TAND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền. Tháng 8-2015, TAND TP.HCM đã chính thức ra thông báo thụ lý vụ kiện. |