Ngày 18-8, Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc bị can Nguyễn Tiến Thân (SN 1980, tại Hà Nội, Chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ).
Ông Thân bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện tống đạt các quyết định nêu trên.
Cuối năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, Việt Nam thực hiện các chuyến bay “giải cứu” công dân từ vùng dịch trở về quê hương.
Theo thời gian, số lượng chuyến bay “giải cứu” tăng dần, đồng thời cũng xuất hiện nhiều phản ánh về việc giá vé quá cao, thủ tục lại rườm rà, nhiều người dù rất mong muốn được trở về Việt Nam nhưng vì không đủ khả năng tài chính nên đành chấp nhận ở lại vùng dịch để chờ đợi thêm…
13 trong số 17 bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: CACC |
Tháng 1-2022, sau nhiều ngày vào cuộc xác minh, Bộ Công an “cất lưới”. Mở đầu cho vụ án tiêu cực gây chấn động dư luận, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bốn bị can tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cùng về tội nhận hối lộ.
Những người này gồm Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng; Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng Bảo hộ công dân.
Đến tháng 4-2022, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam thêm ba bị can về tội nhận hối lộ. Gồm ông Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế; Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Tính đến nay, ông Tô Anh Dũng là bị can từng giữ chức vụ cao nhất bị khởi tố trong vụ án.
Vụ án này, cũng có ba lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố tội đưa hối lộ, gồm Nguyễn Thị Tường Vi, giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam; Nguyễn Thị Dung Hạnh, giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19; Hoàng Diệu Mơ, tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình.
Mới đây nhất, hôm 25-7, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam thêm sáu bị can. Trong đó, bốn người bị cáo buộc tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Mai Anh, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ; Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT; Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an; Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Hai người còn lại là Bùi Huy Hoàng, cán bộ Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty CP du lịch thương mại Lữ Hành Việt, Giám đốc Công ty Vận tải du lịch Hoàng Long Luxury bị khởi tố tội đưa hối lộ.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, kết quả điều tra ban đầu xác định từ 1-9-2016 đến 10-1-2022 có tới gần 2.000 chuyến bay “giải cứu”. Trừ các chi phí, số tiền lợi nhuận mà những người này “bỏ túi” lên đến vài tỉ đồng mỗi chuyến.
Các bị can trong vụ án đã có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi. Hành vi vi phạm rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả trung ương và địa phương.
Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời gian dài. Các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc.
Tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 7-2022, lãnh đạo cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết các bị can trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, con số đưa và nhận cụ thể bao nhiêu thì phải chờ kết quả điều tra chính thức.
“Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của những người liên quan, bất kể đó là ai” - đại diện cơ quan An ninh điều tra nhấn mạnh.