VKS kiến nghị điều tra Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong vụ chuyến bay giải cứu

(PLO)- Liên quan hành vi của cựu thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên, đại diện VKS cho rằng cần kiến nghị điều tra Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong giai đoạn 2 của vụ án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-7, tại phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện VKS đã có một số kiến nghị đối với những vấn đề phát sinh tại tòa qua hành vi phạm tội của các bị cáo.

Theo đại diện VKS, liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), cần kiến nghị điều tra hành vi của ông Đỗ Xuân Tuyên (Thứ trưởng Bộ Y tế), là người ký các công văn cấp phép chuyến bay để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: CTV
Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: CTV

Cũng tại phiên toà, bà Ngô Thị Lan Phương, chị gái bị cáo Ngô Quang Tuấn (cựu Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Giao thông Vận tải), giao nộp cho HĐXX một tập chứng cứ là tài liệu tin nhắn, cho rằng đây là tin nhắn trao đổi giữa bà Lan Phương và bà Nguyễn Thị Tường Vy thể hiện giao dịch dân sự về góp vốn mua đất giữa bị cáo Vy và bà Lan Phương.

VKS xét thấy hành vi của bà Ngô Thị Lan Phương có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm nên kiến nghị cần tiếp tục điều tra làm rõ.

Phần thẩm vấn công khai tại phiên toà cho thấy một số bị cáo có dấu hiệu của tội rửa tiền, VKS cũng đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ giai đoạn 2 của vụ án.

Theo đại diện VKS, đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra ở nhiều bộ, ngành địa phương khác nhau với 5 tội danh đều thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Các bị cáo nhận hối lộ là những người có chức vụ cao trong các cơ quan Nhà nước, có dấu hiệu thông đồng khai báo để che giấu tội phạm, thậm chí có việc nhờ giúp đỡ để nhóm doanh nghiệp không bị xử lý hình sự.

Theo cáo buộc, là thư ký Thứ trưởng Bộ y tế, Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khi thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng mỗi hành khách. Đối với khách lẻ, chi phí này là 7-15 triệu đồng/người.

CQĐT xác định từ tháng 2-2021 đến tháng 12-2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ.

Tại tòa, Phạm Trung Kiên khai rằng số tiền này bị cáo sử dụng toàn bộ, không đưa cho ai. 'Bị cáo cam đoan không đưa tiền cho ai, lời khai này là đúng sự thật, không ai tác động đến bị cáo để khai sai sự thật'- bị cáo Kiên nói.

Đánh giá bị cáo Kiên nhận hối lộ nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo này mức án tử hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm