Trước tòa (vụ chuyến bay giải cứu), bị cáo Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Blue Sky, đã thẳng thừng phát biểu: “Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì”. Không biết tự bao giờ mà văn hóa - một khái niệm tốt đẹp lại được gắn với từ “phong bì” để thành một cụm từ dễ khiến con người ta sa ngã: Văn hóa phong bì!
Nếu phong bì là văn hóa thì nó phải dẫn con người đến những điều tốt đẹp. Ngược lại, nếu nó đẩy con người vào vòng lao lý thì tuyệt nhiên đó không thể là văn hóa. Chính xác phải gọi là tệ nạn.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV |
Tệ nạn phong bì diễn ra khắp nơi, đâu cũng có. Xin đi học cũng có, xin đi làm cũng có, rồi thăng chức, bổ nhiệm... đều có. Dần dà, người ta nâng tầm phong bì thành cái gọi là văn hóa phong bì. Ai gửi phong bì thì xem như “có văn hóa”; ngược lại thì sẽ bị coi là “không biết điều” và bị nhìn với con mắt khác người.
Với quyền lực trong tay, các nhân viên chấp pháp không khó dẫn dụ gần xa, hết đấm lại xoa để doanh nghiệp (DN) phải gửi phong bì “bôi trơn”. Thông điệp được chuyển tải rất rõ ràng là phàm muốn được xin cái gì thì anh phải có cái để cho lại theo phương châm “biết điều gặp nhiều may mắn”. Do đó, nói “DN là nạn nhân của cơ chế xin - cho” thì cũng không có gì quá đáng. Thế nhưng, liệu DN có phải là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề nhất và là nạn nhân đáng thương nhất của tệ nạn phong bì hay không?
Ông bà ta có câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Để có được những ưu thế, đặc quyền trong việc tổ chức chuyến bay giải cứu, không ít DN đã đặt vấn đề và gửi phong bì trước cho các quan chức. Các DN xem đó là chi phí đầu tư ban đầu. Tất nhiên, đã là DN thì lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Khi bỏ chi phí đầu tư ban đầu, không DN nào không muốn thu hồi vốn và tìm kiếm thêm những khoản lợi nhuận khác từ độc quyền khai thác các chuyến bay đưa người dân về nước…
Trong bối cảnh môi trường hành chính còn nhiều bất cập thì DN khó có cách lựa chọn nào khác là phải chấp nhận đưa phong bì. Theo đó, công thức đơn giản nhất là tất cả chi phí hợp lý tổ chức chuyến bay + tiền “bôi trơn” + lợi nhuận sẽ được tính toán kỹ lưỡng thành “giá cả” và đổ lên hành khách - những người đang có khát khao mãnh liệt được về nước. Chính lợi nhuận là động cơ để DN chấp nhận “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, hối lộ phong bì cho quan chức để được tham gia kinh doanh dịch vụ đặc biệt - chuyến bay giải cứu.
Lợi nhuận, tự thân nó không có gì khuất tất, xấu xa; ngược lại, nó còn là động lực cho sự phát triển. Thế nhưng, tìm kiếm lợi nhuận trong lúc đất nước đang đại dịch, đồng bào khốn khó thì đúng là bất nhẫn và vô lương tâm. Vì lợi nhuận, bất chấp đạo lý, truyền thống tốt đẹp mà sử dụng tệ nạn phong bì để đạt được mục đích kinh doanh thì DN không phải là nạn nhân đích thực. Chính các hành khách mới là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Vì lẽ đó, đây mới là nạn nhân thật sự và đáng thương nhất.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: HẢI NAM |
Trước vành móng ngựa, các quan chức nhận hối lộ cho dù ngụy biện “không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm”, quanh co “không nhận thức đầy đủ về quà tặng”, hay thẳng thắn “công chức mà nhận tiền là sai về góc độ pháp luật” thì chắc chắn rằng không ai không biết đến các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng liên quan đến vấn đề nhận quà và nộp lại quà tặng.
Cách đây 18 năm, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã nghiêm cấm cán bộ, công chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Sau 13 năm, đạo luật này được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về vấn đề từ chối nhận quà.
Cụ thể, theo Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Nếu vì lý do công việc, quan hệ ngoại giao mà không từ chối được thì người nhận quà phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết phần quà đó.
Cạnh đó, Điều 27 Nghị định 59/2019 hướng dẫn luật này, nêu: Quà định giá được như tiền, vật có giá thì khi nhận phải báo cáo với cấp trên trực tiếp rồi nộp ngân sách. Trường hợp ngay lúc nhận không biết giá trị của món quà mà mình nhận thì sau đó phải nhờ định giá, rồi gửi cho cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền xử lý.
Tóm lại, đã có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước thì anh không được nhận bất cứ khoản lợi ích vật chất hay lợi ích phi vật chất nào cả.
Một đạo luật quan trọng, được đưa vào giảng dạy từ cấp học phổ thông thì không thể nói những cán bộ, công chức dạn dày kinh nghiệm, lọc lõi quan trường lại kém về nhận thức và không biết nhận phong bì là vi phạm pháp luật. Sự ngu ngơ trước tòa không thể bao biện cho những toan tính, kiếm tìm lợi ích cá nhân một cách bất chấp của các nhân viên chấp pháp. Chính sự tha hóa, để cho bản ngã tham lam thoát ra khỏi vòng cương tỏa của ý thức con người mới đẩy các quan chức vào vòng lao lý mà đại án chuyến bay giải cứu chỉ là một điển hình.
Đối với các DN, đưa phong bì cho quan chức thì phải hiểu rõ đó là đưa hối lộ, là sai, là vi phạm pháp luật. Không có ranh giới giữa sai ít và sai nhiều, không thể đổ vấy cho cơ chế rồi than vãn mình là nạn nhân. Bởi giữa lằn ranh sinh tử mà trục lợi với đồng bào mình thì thật… không còn gì để nói.
Nếu cứ chấp nhận những lý lẽ hoang đường ấy để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo thì chắc chắn những sự việc tương tự vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai.