Chiều 28-7, HĐXX tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu. Có bốn bị cáo phải nhận mức án chung thân, 10 bị cáo được hưởng án treo, nhiều bị cáo bị tuyên mức án cao hơn mức đề nghị của VKS.
Các bị cáo trong vụ án bị xét xử về năm tội đưa, nhận, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bốn bị cáo lãnh án chung thân: 1. Hoàng Văn Hưng. 2. Phạm Trung Kiên. 3. Nguyễn Thị Hương Lan. 4. Vũ Anh Tuấn. Ảnh: PHI HÙNG |
Tiền hối lộ, không thể là “cảm ơn theo văn hóa người Việt”
Nhận định về vụ án, HĐXX xét thấy: Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.
Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp (DN) cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi phạm tội.
Từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng.
23 bị cáo là đại diện DN đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng; bốn bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỉ đồng và hai bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng.
Theo HĐXX, ghi chép của bị cáo Hằng về 13 lần chi tiền cho Tuấn để Tuấn đưa cho Hưng; dữ liệu cuộc gọi; Hưng có nhận chiếc cặp khóa số… là chứng cứ chứng minh Hưng nhận 800.000 USD.
Về các ý kiến cho rằng việc đưa, nhận tiền chỉ là cảm ơn theo văn hóa người Việt, HĐXX cho rằng trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, các DN gặp khó khăn, bị từ chối cấp phép hoặc không được trả lời. Một số DN dù được cấp phép nhưng nhận được văn bản cấp phép muộn, sát thời điểm bay khiến DN không tổ chức chuyến bay được hoặc bị thua lỗ.
Từ đó, nhiều DN chủ động liên hệ với các bị cáo có chức vụ, thẩm quyền liên quan cấp phép chuyến bay để đặt vấn đề hỗ trợ, nhờ vả, giúp đỡ tạo điều kiện xin cấp phép với tần suất bay nhiều hơn, số lượng khách mỗi chuyến bay nhiều hơn theo thị trường các DN hướng đến.
Trước và sau các chuyến bay, các DN đưa tiền cho các công chức trên với danh nghĩa cảm ơn nhưng tiền cảm ơn đều dựa trên lượng chuyến bay, khách về nước, cân đối với lợi ích của DN và mong muốn được tạo điều kiện cho các chuyến bay tiếp theo.
Nhiều bị cáo nhận án cao hơn mức án mà VKS đề nghị
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng, bị tuyên phạt 16 năm tù (VKS đề nghị 12-13 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 25 tỉ đồng, bị tuyên phạt chung thân về tội nhận hối lộ (VKS đề nghị chỉ 18-19 năm tù).
Bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ 27,3 tỉ đồng, bị phạt tù chung thân (VKS đề nghị 19-20 năm).
HĐXX thấy rằng các bị cáo đã nhận số tiền đặc biệt lớn, gây nhức nhối trong xã hội, mất niềm tin trong nhân dân nên cần phải áp dụng mức hình phạt cao hơn VKS đề nghị mới đủ sức răn đe. Các bị cáo đã lợi dụng chính sách nhân đạo và dịch bệnh để tạo điều kiện cho bên đưa hối lộ, qua đó mang lại lợi ích cho bản thân. Hành vi này gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các cơ quan, bộ, ngành nhà nước.
Theo HĐXX, số tiền hối lộ có lần lên đến hàng tỉ đồng, hàng trăm ngàn USD, việc nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục. Đây là số tiền quá lớn, vượt nhiều lần so mức thu nhập bình quân của cán bộ, công chức.
Các bị cáo đều nhận thức được nếu làm theo yêu cầu của DN thì DN sẽ chi tiền cảm ơn. Sau khi nhận số tiền đặc biệt lớn, các bị cáo không báo cáo cơ quan mà chiếm hưởng cá nhân.
Các bị cáo thuộc các DN đều xác nhận không đưa tiền thì không được tạo điều kiện như vậy. Việc đưa tiền trước hoặc sau chuyến bay mang ý nghĩa chia sẻ lợi ích.
HĐXX đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ, ngành. Các bị cáo lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc DN chi tiền “bôi trơn”. Trong số này có cả người giữ chức vụ cao, quan trọng.
Quang cảnh phiên tòa chiều ngày 28-7 |
Lý do cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử
Về hành vi nhận hối lộ của bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, HĐXX đánh giá bị cáo có hành vi đòi hỏi, ra giá, sách nhiễu yêu cầu DN đưa tiền mới cấp phép.
Bị cáo nhận hối lộ 253 lần, số tiền 42,6 tỉ đồng. Căn cứ vào hành vi nhận hối lộ, thủ đoạn cách thức thực hiện, thái độ khai báo, HĐXX thấy mức hình phạt tử hình mà VKS đề nghị là tương xướng với mức độ phạm tội của bị cáo.
Tuy nhiên, xét thấy trong quá trình truy tố, xét xử, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; giai đoạn phiên tòa xét xử, bị cáo tác động gia đình khắc phục hơn 42 tỉ đồng. Do đó, dựa trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật nhằm khuyến khích người tham nhũng nộp lại tiền, HĐXX tuyên phạt bị cáo Kiên tù chung thân.
Chiếc cặp khóa số và án chung thân đối với cựu điều tra viên
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, từng là điều tra viên giai đoạn đầu vụ án, bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền 800.000 USD.
Tại phiên tòa, bị cáo Hưng nhiều lần kêu oan, cho rằng cơ quan điều tra, VKS đã kết tội oan cho bị cáo, bỏ lọt tội phạm. Lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Công ty Blue Sky) và lời khai của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội) không đúng sự thật, đổ trách nhiệm cho bị cáo.
HĐXX cho rằng có cơ sở xác định bị cáo Hưng sau khi bị điều chuyển công tác, không còn là điều tra viên vụ án thì vẫn gặp Hằng nhiều lần tại nhà Nguyễn Anh Tuấn. Bị cáo đưa ra lý do không đúng thực tế để yêu cầu đưa tiền, thông tin sai sự thật về vai trò của mình trong vụ án như vẫn kiểm soát tình hình, trực tiếp đề xuất hướng giải quyết vụ án...
Thông qua bị cáo Tuấn, bị cáo Hưng đã nhận 800.000 USD. Hành vi của bị cáo đủ cấu thành tội lừa đảo, ý kiến của luật sư và bị cáo cho rằng bị oan là không có cơ sở chấp nhận.
HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền rất lớn của bị hại. Bị cáo Hưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn công tác trước đây, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an nên cần phải xử lý nghiêm khắc để đảm bảo phòng ngừa chung. Bị cáo Hưng đã nhiều lần gặp gỡ đối tượng điều tra ngoài trụ sở, không báo cáo lãnh đạo.
HĐXX phân tích: Các chứng cứ sau thể hiện Hưng có hành vi nhận số tiền 800.000 USD. Đó là: lời khai của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn về việc Hưng yêu cầu đưa tiền, các đơn tố giác của bị cáo Hằng, Sơn (Công ty Blue Sky); lời khai của bị cáo Sơn cùng Hằng thống nhất “nhiều lần đưa tiền được giúp đỡ”; ghi chép của bị cáo Hằng về 13 lần chi tiền cho Tuấn để Tuấn đưa cho Hưng; dữ liệu cuộc gọi; dữ liệu trích xuất camera cho thấy Hưng nhận chiếc cặp chứa 450.000 USD; kết quả thực nghiệm điều tra… •
Mức án của một số bị cáo khác
Nhóm bị cáo nhận hối lộ:
Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, cựu phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận 12,2 tỉ đồng, 12 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 5 tỉ đồng, sáu năm tù.
Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng, nhận 4,2 tỉ đồng, bảy năm tù.
Bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản, nhận 2 tỉ đồng, bốn năm tù.
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận 2 tỉ đồng, ba năm tù.
Nhóm bị cáo đưa hối lộ:
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Công ty Blue Sky, đưa hối lộ 100 tỉ đồng, 11 năm tù.
Bị cáo Lê Hồng Sơn, Công ty Blue Sky, đưa hối lộ 100 tỉ đồng, 10 năm tù.
Tội môi giới hối lộ:
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội, môi giới hối lộ 61,6 tỉ đồng, năm năm tù.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, bốn năm tù...