Từ vụ chuyến bay giải cứu: Khi nào tòa tuyên hình phạt dưới khung?

(PLO)- Luật quy định có ba trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng trong vụ án hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên tòa vụ án chuyến bay giải cứu tạm thời khép lại với mức án sơ thẩm dành cho 54 bị cáo được đánh giá là có sự phân hóa mạnh mẽ. Cùng nhóm tội nhận hối lộ, ba bị cáo nhận mức án chung thân (cao hơn mức VKS đề nghị), trong khi nhiều bị cáo được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Điển hình là bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) bị đưa ra xét xử tội nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 354 BLHS (phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) được tuyên mức án 30 tháng tù, tức là khung hình phạt xuống đến khoản 1.

Điều này khiến nhiều bạn đọc thắc mắc về điều kiện, căn cứ để tòa tuyên các mức án nêu trên.

Bị cáo Vũ Hồng Nam được tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Ảnh: TĐX

Bị cáo Vũ Hồng Nam được tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Ảnh: TĐX

Có thể tuyên dưới nhiều khung

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ThS - luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM, cho biết Điều 54 BLHS có quy định về “quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng” (gọi tắt là quyết định hình phạt dưới khung).

Khoản 1 Điều 54 quy định tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS.

Chẳng hạn, bị cáo bị xét xử theo khoản 4 Điều 354 BLHS về tội nhận hối lộ (có mức phạt 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Tuy nhiên, nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ thì tòa có thể tuyên mức án dưới 20 năm tù nhưng phải nằm trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là khoản 3 Điều 354 BLHS (có mức phạt 15-20 năm tù).

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 54 BLHS, đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Nói thêm, LS Giang Hồng Thanh (Đoàn LS Hà Nội) cho biết với quy định tại Điều 54 BLHS, có thể hiểu là có ba trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.

Thứ nhất, quyết định hình phạt dưới một khung, ví dụ như từ khoản 4 xuống khoản 3, khoản 3 xuống khoản 2 hoặc khoản 2 xuống khoản 1.

Thứ hai, quyết định dưới nhiều khung, ví dụ như từ khoản 4 xuống khoản 2 hoặc thậm chí xuống luôn khoản 1.

Thứ ba, nếu điều luật chỉ có một khung hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất thì tòa án có thể quyết định dưới mức thấp nhất của khung đó hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Cần có hướng dẫn các tiêu chí cụ thể

Việc quy định “tòa án có thể…” tuy là để tạo điều kiện cho tòa án linh hoạt trong việc vận dụng pháp luật vào từng vụ án, từng bị cáo cụ thể nhưng cũng là “khoảng trống” khi vận dụng vào thực tiễn và đã để lại không ít tranh luận.

Thực tế vận dụng pháp luật cho thấy có vụ án, có bị cáo đủ hai tình tiết giảm nhẹ nhưng lại không được tòa án chuyển xuống khung hình phạt liền kề, có bị cáo lại được áp dụng chuyển khung hình phạt liền kề…

Do đó cần thiết phải có hướng dẫn chính thức Điều 54 BLHS, ít nhất cũng phải đặt ra các tiêu chí cụ thể hơn nhằm hạn chế phạm vi “có thể” của tòa án khi áp dụng Điều 54 BLHS.

ThS-LS NGUYỄN VĂN DŨ

Tòa căn cứ nhiều yếu tố để quyết định

Cũng theo LS Thanh, không phải trường hợp nào có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên cũng đều được tòa án tuyên mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Ngoài việc Điều 54 BLHS quy định là tòa án “có thể”, thì thông thường HĐXX sẽ căn cứ vào nhân thân người phạm tội, tính chất mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội mà ra quyết định hình phạt dưới khung hay không.

“Chẳng hạn như người có nhiều tiền án, nhân thân xấu hoặc phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng thì kể cả người đó có nhiều hơn hai tình tiết giảm nhẹ cũng chưa chắc đã được quyết định dưới khung” - LS Thanh nói.

Còn theo LS Đỗ Ánh Tuyết (Đoàn LS Hà Nội), khi xem xét mức hình phạt đối với các bị cáo, tòa án sẽ cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để đưa ra mức hình phạt đối với các bị cáo.

Đáng chú ý, ngoài các vụ án về tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, ở các vụ án khác, tòa án đều có thể áp dụng Điều 54 BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt với các bị cáo đủ điều kiện.

Hình phạt dưới khung, chuyện không hiếm

LS Giang Hồng Thanh cho biết trên thực tế việc quyết định hình phạt dưới khung không phải là hiếm gặp. Gần đây nhất trong vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự thú, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm, có thành tích xuất sắc trong công tác… đã được HĐXX quyết định cho hưởng mức hình phạt dưới khung bị truy tố, xét xử.

Điều này không chỉ trừng phạt người phạm tội, mà còn giúp cho họ nhận thức được lỗi lầm, hiểu được chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, qua đó cải tạo tốt để sớm hoàn lương.

Đặc biệt, theo LS Thanh, việc áp dụng quy định trên còn có tác dụng khiến người phạm tội khác chưa bị phát hiện ra tự thú, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để qua đó cũng được hưởng mức án nhân văn, có tình có lý.

Còn theo LS Nguyễn Quốc Cường, Đoàn LS TP.HCM, Điều 54 BLHS thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam đối với người có hành vi phạm tội bằng việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu như người phạm tội đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định.

Điều này cũng thể hiện đúng với nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội theo Điều 3 BLHS, đó là khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm