Nguồn tin từ VKSND Tối cao cho biết cơ quan này đã ban hành cáo trạng truy tố đối với ông Huỳnh Trung Tính (kiểm sát viên sơ cấp VKSND huyện Chợ Lách, Bến Tre) về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo điểm a khoản 3 Điều 369 Bộ luật Hình sự.
Không xây dựng cáo trạng truy tố trong 18 vụ án
Cáo trạng thể hiện trong khoảng thời gian từ tháng 12-2018 đến tháng 11-2020, ông Tính được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 33 vụ án hình sự với 52 bị can do Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Lách kết thúc điều tra đề nghị truy tố.
|
Trong đó có 34 bị can trong 18 vụ án, ông Tính sau khi nghiên cứu hồ sơ thấy đủ căn cứ truy tố các bị can nên đã xây dựng báo cáo đề xuất truy tố bằng văn bản, được ông Phan Thành Nghiệp (Phó Viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách, sau đó được bổ nhiệm làm viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách) phê duyệt đồng ý nhưng sau đó không xây dựng cáo trạng truy tố theo quy định.
Tháng 10-2020, đoàn giám sát của HĐND huyện Chợ Lách tiến hành giám sát hoạt động của VKSND huyện Chợ Lách và VKSND tỉnh Bến Tre quyết định thanh tra đột xuất, đã phát hiện từ tháng 12-2018 đến tháng 11-2020 có 18 vụ án hình sự với 34 bị can quá thời hạn truy tố nhưng không có cáo trạng truy tố (đến thời điểm bị phát hiện, vụ án quá hạn ít nhất là 37 ngày, nhiều nhất là 678 ngày).
Tất cả vụ án này đều do ông Tính được giao thụ lý giải quyết và đang cất giữ hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi văn bản báo cáo đề xuất được ông Phan Thành Nghiệp phê duyệt đồng ý truy tố, ông Tính thông báo miệng cho kiểm tra viên bộ phận thống kê tổng hợp là các vụ án đã truy tố để làm báo cáo thống kê định kỳ, rồi cất hồ sơ đi.
Đáng chú ý, khi các vụ án này đã quá thời hạn truy tố, các điều tra viên phụ trách vụ án nhiều lần nhắc nhở ông Tính, cũng như tại cuộc họp của công an huyện có sự tham gia của ông Tính và lãnh đạo VKSND huyện Chợ Lách nhưng ông Tính vẫn không xây dựng cáo trạng truy tố.
Trong 18 vụ án với 34 bị can mà ông Tính không truy tố nêu trên, có bốn vụ án sau khi quá hạn truy tố nhưng ông Tính vẫn thực hiện một số hoạt động tố tụng như ban hành yêu cầu điều tra, đề nghị cơ quan điều tra gia hạn trích xuất bị can để phục vụ điều tra, truy tố và xét xử…
Để hợp pháp hóa thời gian truy tố nhằm che giấu hành vi phạm tội, ông Tính đã tẩy xóa, sửa chữa ngày tháng trong tài liệu của hai vụ án.
Sau khi bị phát hiện, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo VKSND huyện Chợ Lách, ông Tính đã trình lãnh đạo duyệt ký, ban hành cáo trạng truy tố 33 bị can (34 bị can, sau đó một bị can đã chết) trong 18 vụ án và chuyển hồ sơ đến TAND huyện để xét xử.
Việc Huỳnh Trung Tính không xây dựng cáo trạng truy tố 33 bị can trong 18 vụ án theo quy định pháp luật dẫn đến một bị can tiếp tục phạm tội mới đã bị khởi tố, một bị can tiếp tục phạm tội mới nhưng chỉ bị xử phạt hành chính do hành vi phạm tội trong vụ án mà Huỳnh Trung Tính thụ lý chưa bị xét xử nên được xác định là chưa có tiền án.
Áp lực công việc, hoàn cảnh khó khăn nên “quên”
Quá trình điều tra, ông Tính khai nhận việc không xây dựng cáo trạng truy tố là do tâm lý chán nản vì áp lực công việc, hoàn cảnh gia đình khó khăn và bị một số bệnh như thoái hóa đốt sống cổ, viêm xoang. Đối với việc không xây dựng cáo trạng nhưng lại thông báo bộ phận tổng hợp đã truy tố xong là để đảm bảo báo cáo các chỉ tiêu nghiệp vụ VKSND huyện Chợ Lách và làm cơ sở để xét thành tích cá nhân.
Cơ quan tố tụng nhận định lời khai nhận tội của ông Tính phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra và phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra.
Cơ quan điều tra cũng đã điều tra, xác minh đối với 33 bị can và những người có liên quan trong các vụ án do ông Tính được giao thụ lý giải quyết và làm việc với cán bộ các cơ quan tố tụng có liên quan, luật sư, trợ giúp viên pháp lý nhưng không phát hiện được ông Tính nhận tiền hay lợi ích khác từ các bị can và gia đình bị can.
Như vậy, có đủ căn cứ chứng minh Huỳnh Trung Tính cố ý không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 33 bị can trong 18 vụ án hình sự.
Hành vi của Huỳnh Trung Tính đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín của VKSND huyện Chợ Lách nói riêng, của ngành kiểm sát nói chung, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị hại và những người có liên quan trong 18 vụ án.
VKS cũng xác định quá trình điều tra, truy tố, ông Tính thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen trong quá trình công tác. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Một lãnh đạo VKS huyện bị cách chức
Liên quan đến sai phạm của Huỳnh Trung Tính, cáo trạng xác định các ông Phan Thành Nghiệp, Huỳnh Văn Toàn (viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách từ năm 2007 đến tháng 5-2019), Lê Văn Bình (Quyền Viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách từ tháng 5-2019 đến tháng 5-2020) đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên chưa đến mức xử lý hình sự.
Ngày 24-1, VKSND Tối cao đã có quyết định thi hành kỷ luật với ông Phan Thành Nghiệp, hình thức kỷ luật là cách chức viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách.
Đối với hai ông Huỳnh Văn Toàn, Lê Văn Bình, VKSND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo.