Chính phủ vừa báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội (QH) về việc thực hiện các nghị quyết của QH đối với một số dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, Chính phủ nêu ra một số khó khăn, lúng túng của địa phương trong việc triển khai các cơ chế đặc thù để cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án đường bộ cao tốc đã được QH cho phép.
Có cơ chế đặc thù nhưng các tỉnh vẫn “đẻ” thêm các bước
Chính phủ cho biết quyết định QH cho phép một số dự án giao thông được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó giúp cho thời gian thực hiện các thủ tục khai thác khoáng sản rút ngắn được khoảng 10 tháng theo quy định của Luật Khoáng sản. Đồng thời, các nhà thầu chủ động được nguồn cung và tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá khi triển khai đồng loạt.
Trong quá trình khai thác, các nhà thầu đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục và nghĩa vụ tài chính theo quy định, có phương án kiểm soát chặt chẽ quá trình khai thác, vận chuyển, sử dụng nguồn vật liệu khai thác từ mỏ bảo đảm đúng mục đích, quy định.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng do đây là nội dung lần đầu tiên được triển khai, còn một số khó khăn, vướng mắc ở thời gian đầu. Cụ thể, các địa phương còn lúng túng, cách hiểu chưa thống nhất nên mất nhiều thời gian.
Chẳng hạn như tỉnh Khánh Hòa, Hà Tĩnh chưa rõ thủ tục thu hồi đất đối với các mỏ hay nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất. Tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và một số tỉnh khu vực ĐBSCL chưa rõ có phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường hay không...
Thêm vào đó, một số địa phương tiếp tục đề nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn thêm mới triển khai thực hiện nhưng sau khi có hướng dẫn các tỉnh vẫn yêu cầu thực hiện một số bước mặc dù QH đã cho phép đơn giản hóa.
Các mỏ cát giao cho nhà thầu nhưng lại khống chế công suất và việc nâng công suất các mỏ cát đang khai thác gặp nhiều khó khăn. Từ đó tiến độ của dự án cao tốc chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Điển hình dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Cạnh đó, các mỏ vật liệu thông thường theo quy định Luật Đất đai không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nên nhà thầu phải thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… một số chủ sở hữu yêu cầu giá cao hơn nhiều so với mức giá Nhà nước bồi thường khi thu hồi, gây khó khăn cho việc khai thác mỏ vật liệu.
Ngoài ra, Chính phủ cho biết việc áp dụng cơ chế đặc thù cấp phép cho các mỏ mới trong thời gian hai năm kể từ ngày QH thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tương đối ngắn khó khả thi do thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án kéo dài. Đến nay, thời gian hưởng cơ chế đặc thù đã hết nhưng chủ đầu tư đường Vành đai 4 chưa lựa chọn được nhà đầu tư để thi công.
Ban hành quy chế phối hợp trong quá trình triển khai
Về việc phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án cao tốc bằng vốn ngân sách, Chính phủ cho biết hiện Thủ tướng ban hành quyết định giao cho 14 địa phương làm cao tốc.
Quá trình triển khai thực hiện các dự án, Chính phủ nhận thấy các tỉnh được giao làm cao tốc cơ bản phát huy tính chủ động; huy động hiệu quả nguồn lực của địa phương trong việc quản lý đầu tư, xây dựng một số dự án đường bộ cao tốc. Các tỉnh, thành làm chủ đầu tư cũng tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, giảm thủ tục bàn giao công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới và một số thủ tục trong quá trình quản lý, đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, các địa phương khi triển khai đầu tư cao tốc đã nâng cao năng lực quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ.
Để hỗ trợ cho địa phương làm cao tốc, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án thành phần để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng, từ giai đoạn chuẩn bị dự án, khảo sát, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, quá trình giải phóng mặt bằng, đến giai đoạn thi công xây dựng….
Bộ GTVT cũng đã thực hiện thẩm định và có ý kiến của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo thẩm quyền đối với các dự án do địa phương chủ trì thực hiện. “Đến nay, các dự án, dự án thành phần phân cấp cho các tỉnh, thành làm cơ quan chủ quản đã được triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu…”- Chính phủ cho hay.
Với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - cần Thơ - Sóc Trăng, Chính phủ cho rằng “cơ bản được bố trí đầy đủ các nguồn vốn", cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo cam kết, tuân thủ các Nghị quyết của QH đáp ứng tiến độ triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy quá trình triển khai cũng ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, một số địa phương được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn lúng túng đối với các dự án sử dụng nhiều loại nguồn vốn.
"Đặc biệt, một số địa phương còn lúng túng khi áp dụng một số chính sách mới, chưa có tiền lệ nên tiến độ triển khai chưa đáp ứng yêu cầu…”- Chính phủ đánh giá.
Vốn giao thông lớn nhưng giải ngân chậm
Theo Chính phủ, một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân còn hạn chế.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km 19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) mới giải ngân 39,254 tỉ đồng/4.650 tỉ đồng, đạt khoảng 1%;
Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng mới giải ngân 956,8 tỉ đồng/4.130 tỉ đồng, đạt khoảng 23%; thậm chí dự án nâng cấp đoạn Km 18-Km80, Quốc lộ 4B chưa giải ngân được đồng nào.