10 năm, nhớ ông già Sơn Nam

Hôm qua, 22-8, NXB Trẻ tưởng nhớ 10 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam. Làm người ai rồi cũng rời xa “cõi tạm” nhưng ông già Nam bộ Sơn Nam mãi còn với thế giới người Việt này.

1. Nhiều thế hệ đi học biết đến nhà văn Sơn Nam qua phần trích đoạn dạy trong sách giáo khoa tác phẩm Hương rừng Cà Mau. Nhiều người yêu ca hát nhớ đến Sơn Nam qua bài hát phổ thơ của ông “…thân không làm lính thú/sao chưa về cố hương…”. Bài thơ này đề từ trong Hương rừng Cà Mau, cũng là bài thơ của ông già Sơn Nam được nhiều người biết đến mãi đến lúc ông tạ thế, dù năm 1948 ông có in tập thơ Lúa reo.

Nhà văn Sơn Nam trong giấy khai sinh tên Phạm Minh Tày. Đúng ra ông tên Phạm Minh Tài nhưng “cán bộ hộ tịch” khi đó ghi tên ông từ Tài thành Tày. Người đọc nhớ ông là tác giả Hương rừng Cà Mau nhưng quê ông ở “miệt thứ” thuộc tỉnh Kiên Giang. Những ai mê cải lương ắt nhớ câu ca: “Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu”. Rạch Cái Thia giờ đã lấp thành đường nhưng miệt thứ quê ông vẫn còn.

Quê còn thì còn người. Người còn thì còn nhớ. Miệt thứ quê ông còn người, còn chợ, còn trường thì còn nhớ ông. Cách nay khoảng năm năm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, về miệt thứ thuộc vùng U Minh Thượng, quê Sơn Nam. Không biết khi đó ông Nguyễn Minh Nhựt thấu cảm và hứa hẹn điều gì với con người miệt thứ mà ông muốn làm một vài điều ý nghĩa để tạ ơn ông già Sơn Nam.

Và sau năm năm, NXB Trẻ công bố Quỹ học bổng Sơn Nam. TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, nói: “Trước khi nhà văn Sơn Nam qua đời, NXB đã mua tác quyền của ông trả tiền một lần và trả thêm khi tác phẩm tái bản. Tuy nhiên, sau khi ông già mất, tác phẩm của Sơn Nam vẫn tái bản đều đặn và tiền tác quyền này theo di nguyện của ông là… không nhận nữa. Đương kim Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt nhận thấy số tiền nhuận bút của ông già để lại khá nhiều nhưng chưa biết “xử sao” cho ý nghĩa. Thì nay ông Nhựt biến thành học bổng mang tên Sơn Nam để tặng lại cho bạn đọc của Sơn Nam hiện thời.

Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời bên chiếc máy đánh chữ. (Ảnh tư liệu)

2. Điều thú vị là khi còn sống, nhà văn Sơn Nam chưa bao giờ thoải mái về tiền bạc. Có thể nói ông là “con nợ” của các tờ báo và các nhà xuất bản. Ngoài NXB Trẻ, theo lời TS Quách Thu Nguyệt, ông xem NXB này như “ngân hàng mở” để đến “mượn tiền” thường xuyên. Còn với nhiều tờ báo, nhà văn Sơn Nam cũng là “khách quen” khi đến ứng trước nhuận bút rồi gửi bài trả nợ sau. Hiện nay hình như không có tòa soạn nào và tác giả nào “chơi” như thế!

Ông già Sơn Nam có túng thiếu đến độ phải mượn tiền như vậy không? Xin thưa là không, bởi ông chẳng cần gì cho riêng mình. Bà Quách Thu Nguyệt cho biết có lần ông đến NXB Trẻ ứng một khoản tiền khá lớn. Bà Nguyệt hỏi, ông nói ứng “có việc”. Cũng như nhiều lần, theo nhà văn Trầm Hương, ông Sơn Nam cạn tiền đành xin bè bạn để ông… mua bánh bao cho mấy đứa trẻ cơ nhỡ thiếu đói ở Gò Vấp, gần nơi ông ở…

Hình ảnh ông già Sơn Nam thân quen với bà con lao động xóm nghèo. Gần gũi đến độ có người biết ông là nhà văn Sơn Nam mà họ từng nghe danh, họ tình nguyện làm thư ký cho ông kiêm xe ôm chở ông đi khắp Sài Gòn, ví dụ như ông Đào Tăng vừa mới viết hẳn một cuốn sách về Sơn Nam. Gọi Sơn Nam là ông già Nam bộ hay ông già đi bộ đều đúng. Vì khi trẻ, Sơn Nam biết đi xe đạp, trong một lần đạp xe ông vướng sợi dây thít cổ suýt chết nên từ đó ông… đi bộ.

3. Chuyện ông già Sơn Nam chỉ đi bộ nhiều người trong làng văn, làng báo Sài Gòn biết. Nhiều người còn biết ông bị chế độ cũ bắt giam vì là “người kháng chiến cũ”. Sau năm 1975, Sơn Nam từng được cấp nhà ở quận Bình Thạnh. Khi đó ông Võ Văn Kiệt làm bí thư Thành ủy TP.HCM.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng từng làm ban quản lý Lăng Ông (lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh) cho biết: Một thời các quẻ xăm trong Lăng Ông do nhà văn Sơn Nam đánh số và chú giải theo tỉ lệ giúp người ta hướng thiện, làm nhiều điều lành tránh điều ác.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền giữ gìn cuốn sách Hương rừng Cà Mau mua năm 1969 do NXB Phù Sa in lần đầu ở Sài Gòn năm 1962, cho đến năm 1981 gặp Sơn Nam xin chữ ký. Và bây giờ nhà văn tặng lại bà Đào Thúy Hằng, con gái cả của tác giả. Một nhà văn hậu bối và thành danh như Đoàn Thạch Biền mua và giữ Hương rừng Cà Mau đến nửa thế kỷ để tặng lại gia đình cũng đủ để chứng minh tầm vóc của Sơn Nam thế nào.

4. Hậu vận của Sơn Nam ngày càng tốt dù khi sống ông không muốn làm phiền bất kỳ ai. Sau khi mất, Sơn Nam được ông con rể Trần Đức Nghị (chồng bà Đào Thúy Hằng) lập nhà lưu niệm rất đẹp bên dòng sông Bảo Định (Tiền Giang). Ông Nghị, bà Hằng (lấy họ Đào của mẹ do cha đi kháng chiến và đi mãi) làm điều này khiến nhiều nhà văn cùng thời với Sơn Nam như Kiên Giang, Hà Huy Hà, Trang Thế Hy… cảm tình.

Hậu vận của Sơn Nam ngày càng tốt khi sách của ông chưa bao giờ lỗi thời. Bằng chứng là theo ông Nguyễn Minh Nhựt, “sách của Sơn Nam cả năm đều đặn có người mua, mạnh nhất vào cuối năm, khi Việt kiều đón Tết. Có lẽ người Việt trong nước và người Việt xa quê đều thấy bóng dáng của mình trong các tác phẩm của Sơn Nam.

Hậu vận của Sơn Nam càng rõ hơn khi mỗi cuốn sách của ông đều góp một phần cho ước mơ đi học của trò nghèo, trước mắt ở miệt thứ U Minh Thượng quê ông, lâu dài hơn là cả dải đất hình chữ S này. Ông đúng là tỉ phú, dù không tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm