Ở miền Nam, cũng giống như ở miền Bắc và miền Trung, khi một người đàn ông chỉ vào một người phụ nữ (hay ngược lại) và nói “Đây là nhà tôi”, lập tức người ở ngôi thứ ba sẽ hiểu ngay đó là vợ của anh ta (hay chồng của chị ta). Tất nhiên, từ nhà trong tiếng Việt có nghĩa ban đầu, nghĩa đen là để chỉ nơi ở của một con người, một gia đình. Mới thấy, với người Việt, dù ở miền nào, tiếng nhà đều thân thiết biết bao, nó đồng nghĩa với hạnh phúc.
Tuy nhiên, nhìn vào ngôi nhà nghĩa đen của người dân Nam Bộ, nó có vẻ không giống như, không kiên cố như cái nhà của người Việt ở miền ngoài.
Nó sơ sài, tuềnh toàng so với mức sống của gia chủ và sự trù phú của thiên nhiên. Nhiều người bạn miền Bắc, miền Trung của tôi còn nói thẳng: “Dân Nam các ông ỷ lại đất rộng, trời cao, cá nhiều, tôm sẵn nên mê chơi, không lo xa. Cứ nhìn vào cái nhà ở thì biết”.
Có lần tôi đem điều băn khoăn này bộc bạch với nhà văn Sơn Nam thì được nghe lý giải. Theo ông, cái nhà ở của dân Nam Bộ trông xập xệ thật. Có người còn tự trào rằng cái nhà của họ là nhà đá, nhà đạp, có nghĩa chỉ đạp một cái là sập. Nhưng phải hiểu đó là do điều kiện tự nhiên mà ra, chứ không phải vì họ làm biếng hay “ăn xổi ở thì”.
Nhà đơn sơ, đình bề thế
Ai cũng biết người Việt trên đất phương Nam này hầu hết đều có nguồn gốc di cư vào từ vùng ngũ Quảng. Dải đất cố hương của họ là nơi hứng chịu thiên tai triền miên, có khi mỗi năm hơn chục trận bão. Nhưng khi vào Nam, họ phát hiện ra vùng đất mới chẳng hề có bão tố gì cả. Một mái lá đơn sơ vẫn có thể làm nơi trú ngụ ấm áp quanh năm mà chẳng phải lo lắng. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi mà cái nhà ở, vốn là công trình cần phải kiên cố đầu tiên của cuộc định cư, được nhường lại cho những ưu tiên khác. Và khi đất rừng đã trở thành vườn cây, ruộng lúa, xóm làng thì những lưu dân mới lại nghĩ tới một ngôi nhà chung, lớn hơn, ngôi nhà của tâm linh cộng đồng mà họ vẫn canh cánh mang theo trong tâm tưởng từ lúc lìa cố hương, đó là ngôi đình làng.
Năm 2015, có dịp đi theo đoàn làm phim tài liệu về hát bội, lang thang từ Phú Yên ra Huế tôi mới biết những ngôi đình làng ở miền Trung không nhiều và cũng không lớn như những ngôi đình ở Nam Bộ. Đình Phú Ngãi hay đình Phú Lễ của Ba Tri, Bến Tre đều có khuôn viên rộng đến năm, sáu ngàn mét vuông với cây cao bóng mát, kiến trúc cả chục gian bằng gỗ lim, sau gần hai thế kỷ mà vẫn chắc chắn. Theo nhà nghiên cứu Hồ Tường, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM hiện còn hơn hai trăm ngôi đình. Có lẽ cái rộng và cái nhiều của những ngôi đình Nam Bộ ngoài điều kiện tự nhiên đất rộng trời cao, nó còn do nỗi niềm tha hương mà thành ra bề thế như vậy.
Cuộc chinh phục vùng đất phương Nam của người Việt chỉ mới diễn ra hơn ba trăm năm một chút. Nhưng cuộc chinh phục ấy mãi tới sau 1975 nhiều năm mới tạm gọi là hoàn thành với vùng trũng Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Chó Ngáp và U Minh của bán đảo Cà Mau. Cũng có nghĩa là cuộc di cư của người dân Nam Bộ vẫn luôn vận động suốt ba trăm năm ấy, nó diễn ra từng ngày, đơn lẻ, dai dẳng, nhưng cũng có thời điểm rất tập trung, rầm rộ như khi người Pháp cho đào nhiều con kinh xáng để mở mang việc trồng lúa trên vùng Hậu Giang hồi nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Nhiều năm lang thang ở vùng Nam sông Hậu, tôi tò mò tìm hỏi thì biết phần lớn dân các tỉnh này đều có nguồn gốc từ miệt vườn bên phía sông Tiền đi qua, nếu không kể một số dân Bắc và Trung di cư vào sau 1954 và 1975. Ở Cà Mau có hẳn những xóm Gò Công, xóm Bến Tre.
“Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu...”.
Những lời mở đầu trong bài thơ duy nhất của nhà văn Sơn Nam có lẽ là để ghi nhận về những cuộc di cư này. Và tôi thiển nghĩ một mái nhà kiên cố sẽ không thể thích nghi với những con người vẫn còn hăm hở lên đường trong hành trình khai phá.
Những khác biệt giữa đông và Tây Nam Bộ
Nam Bộ là nói chung, nhưng cái nhà của dân miền Đông (đất đỏ) và miền Tây (đồng bằng sa bồi) cũng có khác. Cái nhà có vẻ tạm bợ là cái nhà của người ở miệt đồng bằng. Vùng này rừng ngập nước, cây đước, cây tràm cộng với lá dừa nước là những vật liệu làm nhà không bền chắc. Với miền Đông, cái nhà có vẻ chắc chắn, khang trang và bề thế hơn. Là cũng do điều kiện tự nhiên và lịch sử di cư. Miền Đông Nam Bộ giáp với miền Trung, tiếp nhận người đến định cư sớm hơn. Đây là vùng rừng mưa nhiệt đới, sẵn gỗ lớn và tốt. Thêm nữa, rừng trên nền đất cao nên có nhiều thú dữ, con người cần phải có ngôi nhà kiên cố để sống an toàn.
Cái khác là do điều kiện thực tế ban đầu. Nhưng khi cuộc định cư đã ổn định, khi bắt đầu quan tâm chăm chút đến nơi ở thì dân miền Tây vẫn dựng những ngôi nhà như người miền Đông, với gỗ rừng miền Đông và cả tay nghề của thợ miền Đông (thợ Biên Hòa), đó là kiểu kiến trúc nhà chữ đinh với vật liệu cơ bản là gỗ, ngói và đá. Kiểu nhà này thực chất là hai ngôi nhà ghép lại, nhà trên nằm ngang và nhà dưới nằm xuôi, đòn dông của hai nhà thẳng góc với nhau, giống như chữ đinh trong Hán tự.
Đặc điểm của nhà chữ đinh là cửa cái của nhà trên trổ ở chiều dài của ngôi nhà, còn cửa cái của nhà dưới trổ ở chiều rộng, ngay đầu hồi. Do đó cửa cái nhà trên và nhà dưới đều mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước. Nhà trên thường bề thế hơn, cao hơn nhà dưới, vì là nơi thờ cúng tổ tiên, tiếp khách, nơi sinh hoạt của nam giới, nơi đưa ra những quyết định quan trọng với gia đình, họ tộc. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, là bếp núc, là cái “hội trường” của các bà, các chị với biết bao buồn, vui, uẩn khúc lẫn hoan lạc.
Dù có “tham khảo” chút ít kiểu dáng kiến trúc của Trung Hoa, dạng nhà chữ đinh Nam Bộ vẫn giữ được đặc trưng của ngôi nhà miền Trung, tức là nhà có phần trung gian nối vách và mái giữa nhà trên và nhà dưới thành một tổng thể chứ không tách rời nhau.
Nhà chữ đinh chỉ thích hợp khi đặt giữa không gian sân vườn rộng rãi, gió lộng tứ bề, nên dù chỉ phổ biến ở tầm vóc ba gian (phần nhà trên) thì cũng chỉ có giới phú nông hay một ít trung nông mới có khả năng sở hữu. Vẫn còn có dạng nhà chữ đinh hoành tráng hơn với năm gian, hai chái, cùng những nhà phụ liên hoàn rộng vài trăm mét vuông, đặt trên những nền đúc cao khỏi ngực, đó là nhà của những đại điền chủ. Hiện loại nhà này vẫn còn tồn tại khá tốt ở vài nơi, cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Nỗi ám ảnh nhớ nhà
Tôi lớn lên trong một ngôi nhà lá bình thường ở vùng đất hẻo lánh gần chót mũi Cà Mau. Thời chiến tranh, trong nhiều năm, mỗi sáng ra tôi đều thức dậy trong những ngôi nhà xa lạ. Nhiều đêm trong mơ tôi tràn ngập hạnh phúc khi thấy mình được thức dậy ngay trong ngôi nhà của mình. Nghe tiếng em gái giật mình gọi má, vì má tôi bao giờ cũng thức sớm với công chuyện gì đó ở sau bếp; nghe ông anh cù cù bàn chân gọi thức dậy đi thăm bẫy chim hay thăm câu, thăm lưới... để rồi âm thầm ứa nước mắt khi chợt thức giấc thật vì tiếng khóc nhè của trẻ con nhà lạ. Cho đến bây giờ với tôi, nỗi ám ảnh buồn nhất vẫn là nỗi ám ảnh nhớ nhà.
Do mưu sinh, bây giờ cả nhà tôi đều trôi giạt lên đất Sài Gòn. Tôi cũng không còn ở chung ngôi nhà với má. Con gái tôi sau khi lập gia đình cũng có một chỗ ở riêng. Nhưng cứ mỗi thứ Bảy hằng tuần, khi thấy mẹ cho đồ đạc vào ba lô để tụ tập về nhà bà cố của nó, là má tôi, thì thằng cháu ngoại sáu tuổi của tôi lại reo lên: Mình đi về nhà hả mẹ?