Sài Gòn là tình yêu của rất nhiều người. Có người chỉ đơn thuần là yêu và gắn bó với mảnh đất này mà không biết cách thể hiện tình yêu của mình. Có người không cần nói thẳng “Tôi yêu Sài Gòn”, nhưng qua những điều họ làm, chúng ta thấy được tình yêu trong đó. Và có cả những người yêu là phải nói - nói một cách trực diện - chỉ để mọi người biết rằng mình yêu nó, còn “thiên hạ” nghĩ gì… tính sau.
Lý Minh Thắng và Sài Gòn, anh yêu em
Lý Minh Thắng là một cái tên mới toanh trong làng điện ảnh Sài Gòn. Khi còn làm phó đạo diễn, Lý Minh Thắng luôn mong ước có ngày được làm đạo diễn một bộ phim điện ảnh. Rồi cơ hội cũng đến, sau một buổi… cà phê với đám bạn. Hôm ấy, Thắng nói “Tao mà có cơ hội làm phim thì phim đầu tay sẽ làm về Sài Gòn”. Không ngờ sau đó các bạn anh vừa hùn vốn vừa kêu gọi đầu tư và bộ phim Sài Gòn, anh yêu em ra đời.
Lý Minh Thắng tâm sự, bộ phim đó anh làm là vì một tình yêu dành cho thành phố của mình, nơi anh đã chào đời và lớn lên từng ngày. Đây không là một bộ phim hoàn hảo nhưng vì nó mang cảm xúc rất chân thật về Sài Gòn nên đã chiếm được cảm tình của khán giả.
Bộ phim kể về năm câu chuyện của năm lứa tuổi với hoàn cảnh sống khác nhau: một cặp nghệ sĩ già mê đắm cải lương, một cặp nam đồng tính, một đôi trẻ trung thành đạt, một cô gái lấy chồng ngoại quốc và hai mẹ con. Những câu chuyện thực đến nỗi khi xem phim, nhiều khán giả cho biết họ cảm thấy nhớ Sài Gòn dù bản thân đang sống ngay giữa thành phố này.
Những điều nhỏ nhặt, ít ai nhớ tới của Sài Gòn cũng được Thắng tỉ mỉ mang lên phim. Như đoạn đường ray lúc nhỏ anh thường ra nằm giữa trưa nắng, đợi tiếng còi tàu hú lên thì bỏ chạy, “nghĩ lại thấy mình chơi ngu thiệt, nhưng dù gì cũng là kỷ niệm”. Hay như những lần anh đi xe ôm, chú xe ôm lịch sự hỏi nếu không gấp thì cho chú tạt ngang giao hàng giùm vợ một chút, sau đó lại bớt cho anh ít tiền do đã bị chú làm phiền… Nhờ những điều nhỏ nhặt ấy mà ngay từ những phút đầu tiên của bộ phim, Lý Minh Thắng đã làm cho khán giả có cảm giác như mình đang lạc giữa một Sài Gòn rộn ràng tiếng rao cùng những điều quen thuộc như cảnh kẹt xe, quẹt xe, hoặc cái bảng “Nhà có tang, vui lòng đi lối khác”…
Trong lúc quay phim, Thắng lại có thêm những kỷ niệm đáng yêu khiến anh không thể thôi yêu Sài Gòn. Ví dụ như khi quay ở Cầu Móng, “lúc đó đợi tạnh mưa mấy tiếng đồng hồ mới bấm máy được. Cả đoàn luống cuống, ai cũng sợ trễ giờ. Rất may là những người dân đang có mặt ở đó mỗi người chạy đến phụ một tay. Nhờ gần cả trăm người đến phụ nên đoàn phim quay các phân đoạn ở đó rất nhanh”, Thắng nói.
Thắng cũng thành thật nói rằng mình là đạo diễn không có tên tuổi nên diễn viên đến với mình chủ yếu vì tình yêu Sài Gòn và khán giả đến với mình cũng vì tình yêu ấy. Thắng bày tỏ: “Không yêu Sài Gòn sao được khi mà nơi này luôn bao dung với mọi người, không bắt ai phải thay đổi bản thân từ giọng nói, tính cách hay thậm chí là giới tính của mình. Và Sài Gòn cũng hợp với tôi, bởi sống ở đây tôi không bao giờ cần che giấu cảm xúc của mình…”.
Chơi guitar trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Ảnh: BST
Đạo diễn Lý Minh Thắng trên trường quay Sài Gòn, anh yêu em. Ảnh: LH
Trọng Lee sống ở Sài Gòn và mơ về cổ tích
Trọng Lee tên thật là Lê Hưng Trọng, tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc của Đại học Văn Lang. Ngoài những công trình kiến trúc khá đặc biệt như nhà hàng Sứ bia, cà phê 6 Degrees, nhà hàng chay Ưu Đàm…, chàng kiến trúc sư này lại được công chúng biết nhiều hơn ở cái tên Trọng Lee - tác giả của nhiều quyển sách.
Các đầu sách của Trọng Lee chủ yếu là sách tô màu artbook: Vùng đất thần tiên, Sài Gòn xưa – Màu hoài niệm, Sắc màu cổ tích Việt Nam… Trong đó quyển Sài Gòn xưa – Màu hoài niệm được xem là tặng phẩm đẹp và độc đáo cho những ai yêu Sài Gòn. Bởi Trọng Lee là một chàng trai gốc Ninh Thuận, chọn Sài Gòn là nơi học hành, lập nghiệp, rồi tình yêu thành phố này thấm vào anh như người ta yêu cỏ cây, không khí.
Những tưởng Sài Gòn xưa – Màu hoài niệm chỉ nằm im trên trang giấy, nhưng những người mơ mộng về Sài Gòn ngày cũ lại tiếp tục chứng kiến bộ sách ảnh này lên lịch mang tên Sài Gòn xưa. Những bức tranh về Sài Gòn của Trọng Lee dẫn trên sách, trên lịch… đều mang màu cổ tích. Các địa danh xưa cũ của Sài Gòn: Nhà thờ Đức Bà, Bùng binh cây Liễu, Thảo Cầm Viên, chợ Bến Thành, Thương xá Tax, Nhà hát Thành phố… vẫn đẹp như thuở ban đầu. Tác giả đã bỏ ra hơn ba năm để đến hàng ngàn góc phố, đọc cả ngàn trang sách để tìm hiểu và vẽ lại Sài Gòn với phong cách art-line và chất liệu màu nước.
Những trang sách của Trọng Lee không chỉ thể hiện dấu tích phồn hoa của các công trình vang tiếng. Ở đó còn có vô vàn những chi tiết chạm đến “hồn vía” Sài Gòn, từ chiếc xích lô, xe ngựa, mobylette, taxi… đến cả gánh hàng rong, góc quán nước. Mỗi bức vẽ là lời chú giải ngắn gọn, chi tiết, câu chuyện thú vị liên quan đến quá trình hình thành, phát triển, và cả những cảm xúc cá nhân mà tác giả dành cho công trình đó.
Trong tranh của Trọng Lee, những công trình biểu tượng của Sài Gòn đẹp như huyền thoại, vừa thần tiên, mơ màng nhưng không kém phần kiêu hãnh. Tất cả rồi sẽ đổi thay dù muốn hay không. Những công trình xưa cũ tới một lúc nào đó có thể cũng phải lùi vào dĩ vãng. Khi đó, chính các tác phẩm của những người trẻ như Trọng Lee sẽ giúp người đọc giữ lại chút hương vị Sài Gòn của ngày hôm qua.
Bộ lịch Sài Gòn xưa của Trọng Lee đã ra mắt ngay ngày Thương xá Tax được tháo dỡ (12-10-2016). Trọng Lee chia sẻ: “Tôi luôn lưu lại những điều đẹp đẽ nhất về Sài Gòn. Mong rằng những bức tranh từ sách, từ lịch này có thể trở thành một câu chuyện cổ tích cho mai sau - câu chuyện về một thành phố thần tiên vẫn mãi đẹp như ký ức tuổi thơ của cậu bé ngày nào lần đầu được lên phố”.