Miền Nam là đất mới của Việt Nam. Nếu so với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của miền Bắc và hơn 700 năm của miền Trung thì 300 năm quả thật còn khá ngắn ngủi. Chính vì là vùng đất mới cho nên ngoài những đặc tính, cốt cách của dân Việt, người miền Nam lại có những tính cách khác biệt so với cư dân sống ở miền Trung và miền Bắc.
Đầu xuân, đất trời trong mát, hoa tươi đua sắc, ngồi bên mâm bánh cúng ông bà, uống ly trà sen, thử bàn về những tính cách khác biệt của người miền Nam. Trước là có dịp tìm về lịch sử cội nguồn, sau là hiểu thêm về văn hóa của một vùng đất mà nay đã là nơi cư sống của hơn 32 triệu người dân nước Việt.
Tính cách ĐẦU TIÊN được lưu truyền đó là vô tư, ít lo nghĩ xa.
Để tìm hiểu vì sao dân Nam Bộ có cá tính này, xin ngược dòng lịch sử hàng trăm năm trước đó. Vào thời chúa Nguyễn mới ban hành chính sách khuyến khích dân miền ngũ Quảng, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam, Quảng Nghĩa (sau đổi là Ngãi), di cư vào Nam lập nghiệp từ thế kỷ 17, 18. Bấy giờ vùng đất Nam Bộ rất phì nhiêu, giàu có sản vật hơn rất nhiều lần so với miền ngoài. Ca dao ghi lại như:“Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời”. Hay: “Muốn ăn bông súng cá kho / Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng có chép: “Còn bầu, cà, rau rất nhiều thứ, không thể chép hết được. Tóm lại các thứ rau đậu, dưa khoai, rau chỉ để ăn điểm tâm hay nấu món ăn mà thôi, chưa từng phơi khô, mài làm bột để dự trữ dùng trợ đói. Vì là người Gia Định ngày ba bữa đều ăn cơm cả, cháo gạo cũng ít ăn, huống chi là thứ khác, do thóc gạo thừa thãi, hằng năm không mất mùa đói kém nên như thế”.
Người miền Nam xưa làm lúa chỉ cần gieo cấy rồi ngồi chờ đến cuối vụ là rủ nhau ra đồng đập lúa đem về. Rơm cũng bỏ, rồi đem đốt thành tro để bón cho mùa sau, khác người miền Bắc gánh đem về nhà đun cơm. Có khi cũng không cần trồng mà vẫn có lúa ăn. Đó chính là lúa trời hay còn gọi là lúa ma. Vì lúa này tự nhiên mọc trong vùng nước ngập. Nước ngập đến đâu, thân lúa dài đến đó, có khi đến 2 hay 3m (trong khi bình thường chỉ dưới 1 m) cho nên gọi là lúa “ma”.
Ở vùng Đồng Tháp Mười hay An Giang, dân chúng hay đi vào vùng ngập nước để khai thác lúa này. Thật ra lúa thường đã ăn không hết, còn phải xuất bán bớt ra miền ngoài thì không mấy ai đi ăn lúa ma. Đến thời kháng chiến chống Pháp, khi hết gạo hay bị quân Pháp bao vây, bộ đội thường đi cắt lúa ma về ăn đỡ qua ngày.
Những chiếc xuồng gắn bó với người dân vùng sông nước lục tỉnh. Ảnh: BST
Khí hậu, thời tiết và môi trường sống được ưu đãi tạo nên tính phóng khoáng của người Nam bộ. Ảnh: BST
Chưa hết, đất Nam Bộ từ ngàn xưa cá tôm nhiều vô kể. Ăn không hết phải làm khô, làm mắm để qua năm sau ăn tiếp. Mà dân Nam bộ sang lắm, chỉ chọn loại cá ngon mới làm, cá dở đem bỏ. Đến thập niên 1950, ở vùng Đức Huệ, Long An cá cũng còn rất nhiều. Dân Tây Ninh ở gần thường sang bắt cá lóc đem về, nhiều đến nỗi phải chở bằng xe bò hay xe trâu mới hết. Đó là vùng miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ thì còn nhiều hơn thế nữa. Mấy cụ già hơn 80 tuổi ở An Giang kể thời kháng chiến chống Pháp, chỉ cần chiều chiều cầm cái rổ ra bờ rạch trước nhà xúc vài cái là có cả chục ký tôm, tép và cá con đủ loại. Đến những năm 1970 vẫn còn. Thật đúng là trù phú vô cùng.
Về trái cây thì cũng rất phong phú. Đủ loại như dừa, xoài, cam, quít, mận. Có nhiều loại mà miền Trung hay miền Bắc không có như chôm chôm, vú sữa, sầu riêng… Ăn không hết phải cho bớt. Trong mua bán thì một chục trái cây không phải là 10 quả mà có khi 12 hay 14 quả. Cá biệt có chỗ tính đến 16 hay 18 quả. Rồi lại có chuyện bán cho người ăn không phải theo ký mà theo “bụng”, tức thực khách vô vườn leo cây hái trái ăn thoải mái, đến khi no cái bụng mới thôi. Chuyện này đến nay vẫn còn phổ biến.
Với nguồn sản vật giàu có, lại hầu như không bao giờ bị thiếu đói hay rơi vào tình cảnh “giáp hạt” và càng không có bão lụt, hạn hán, mất mùa, dễ hiểu khi cư dân Nam Bộ vốn là những người miền Trung chịu khó, chịu thương, tiết kiệm bỗng thay đổi tính nết. Họ hoàn toàn không còn phải lo nghĩ xa “phòng cơ, tích cốc” như thời còn ở miền ngoài.
Tính cách thứ HAI mà ít đâu có là rộng rãi, hào hiệp, hay còn gọi là “chịu chơi”, hay “chơi xả láng, sáng dìa sớm” của người Nam Bộ.
Ban đầu khi vào Nam khẩn hoang lập làng, mở xóm theo lệnh của chúa Nguyễn, đã có nhiều gia đình điền chủ giàu có xứ Quảng đem theo cả sản nghiệp vào đây chứ không phải chỉ có dân nghèo cùng đinh hay tù phạm như nhiều người lầm tưởng.
Đặc sản cá rô đồng nấu canh với bông điên điển và cá lóc ruộng kho ớt khô đặc trưng miền Tây. Ảnh: BST
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nói rõ chuyện này. Nhiều điền chủ còn mang theo cả hàng chục “nô lệ” (là người dân tộc họ mua được từ vùng cao) vào Nam để tham gia khẩn hoang, vỡ ruộng lập vườn. Vô Nam, điền chủ cho “nô lệ” nam nữ lấy lẫn nhau để sinh con đẻ cái, tăng thêm lực lượng lao động. Đến thời Tây đô hộ, bắt đầu có thêm nhiều đại điền chủ Việt xuất hiện với hàng ngàn mẫu ruộng “thẳng cánh cò bay” hay “chó chạy thè lưỡi”. Trong dân gian vẫn còn lan truyền những câu chuyện về tính chịu chơi của các cậu ấm cô chiêu của những đại điền chủ này như “công tử Bạc Liêu” hay Hắc công tử Trần Trinh Huy từng đốt tiền lấy le với bạn gái. Cạnh đó là Bạch công tử tức Lê Công Phước hay George Phước. Có cả cậu ấm của quan chức thân Pháp có nhiều công trạng, hưởng nhiều lợi lộc như cậu Hai Miêng (con ông Huỳnh Công Tấn, cống hiến đắc lực của Pháp, giàu nhứt vùng Gò Công) cũng xài tiền xả láng và thích làm chuyện nghĩa hiệp. Đến nỗi dân gian có câu vè:
Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công.
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh!
Điểm chung của những tay chơi này là có ăn học trường Tây, nói tiếng Tây lưu loát nhưng xài tiền còn hơn cả Tây nữa (!).
Đẳng cấp thấp hơn cậu ấm cô chiêu là thương gia hay thị dân cũng xài tiền mát tay không thua kém. Do đất miền Nam giàu có, từ xưa đã xuất khẩu được nhiều sản vật như gạo, hồ tiêu, cau trầu, cao su, gỗ… nên đời sống thương gia và công chức cũng rất dư dả.
Trước thập niên 1970, dân giàu có miền Nam thường có biệt thự nghỉ mát ở Đà Lạt và Vũng Tàu. Rồi lại có nhà vườn trái cây ở Lái Thiêu hay Long Khánh. Nếu gọi là giàu có mà chưa có những cơ ngơi này thì chưa phải là sang. Nhiều khi chỉ để có tiếng chứ hiệu quả kinh tế cũng chẳng bao nhiêu. Những thương gia hay thị dân miền Nam có công chuyện ra miền Trung hay Bắc đều mang tiền rất nhiều để cho tặng bà con xa hay để lì xì em út khi vào quán xá, tửu điếm. Mấy em gái phục vụ biết mấy anh miền Nam rộng rãi, tiền nhiều lại thích được tôn vinh kiểu “soái ca” ngày nay nên một tiếng cũng gọi “anh Hai Sài Gòn” hay “anh Hai miền Nam”.
Tính cách thứ BA là hiếu khách. Đây có thể nói là tính cách đặc trưng nhất của dân miền Nam.
Để đẩy nhanh việc mở rộng bờ cõi, chúa Nguyễn định ra luật hễ ai mộ được 50 người đi lập làng mới thì được phong chức bá hộ, sau thường lên làm hương cả. Ai mộ được 20 người thì được chức trùm xâu, lại được miễn thuế ba năm. Cho nên rất nhiều tay hào kiệt đứng ra mộ dân đi lập nghiệp ở vùng xa xôi để dựng thôn xóm nhằm hưởng chính sách này. Có thôn ban đầu chỉ có 50 đến 100 người và có khoảng hơn chục nóc gia. Vì vậy nhà cửa dân cư rất thưa thớt, thôn này cách thôn kia có khi cả chục cây số. Thời Tây Sơn đánh nhau với chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18, dân số miền Nam từ Bình Thuận vào đến Cà Mau chưa được 1 triệu người trong khi cả nước khoảng 5 triệu. Đến năm 1926 thì dân miền Nam phát triển đến 4 triệu người trong tổng số 17 triệu của cả nước.
Khí hậu, thời tiết và môi trường sống được ưu đãi tạo nên tính phóng khoáng của người Nam bộ. Ảnh: BST
Vì dân cư thưa thớt, khoảng cách từ làng này đến làng kia khá xa cho nên có ai đến thăm nhà thì chủ nhà rất quý vì có người chia sẻ, tâm sự theo kiểu nhu cầu “tám” ngày nay vậy. Có gà, vịt trong nhà thì đem làm thịt đãi hết cho thỏa lòng mến khách. Chuyện trai làng này đánh nhau với trai làng khác vì bảo vệ gái làng mình hầu như rất ít khi xảy ra.
Đặc điểm hiếu khách còn thể hiện trong kiến trúc xây nhà. Ở miền Nam kiểu nhà chữ Đinh rất phổ biến. Ở nhà trên luôn được bố trí một bộ ván gõ quý, mục đích để dành cho khách nghỉ qua đêm. Đây là chỗ trang trọng nhất trong căn nhà, còn chủ nhà thì ngủ ở phòng ngủ bên trong hoặc ở gian nhà dưới. Điều này cho thấy sự hiếu khách đã trở thành phong tục. Ngày nay dân cư gia tăng nhưng sự hiếu khách của dân miền Nam vẫn còn. Khi đi ăn nhậu hay cà phê thì ai nấy cũng giành trả tiền. Có người âm thầm gặp chủ quán trả trước. Nếu có ai đó muốn ăn nhậu theo kiểu góp tiền mỗi người một ít mà dân gian gọi là nhậu kiểu Mỹ (share) hay kiểu Campuchia (chia ra mỗi người góp một chút) thì người miền Nam không thích, cho là không đáng mặt đàn ông!
Cuối cùng, một đặc điểm tính cách khác của người miền Nam là chuộng võ hơn văn, không quan trọng bằng cấp mà trọng nhau ở khí tiết, tấm lòng.
Xưa, dân miền Nam thưa thớt, đồng ruộng mênh mông thiếu người làm lụng nên nhu cầu nhân lực rất cao. Nếu cho con cái học hành nhiều thì không có ai phụ việc đồng áng. Vì vậy phần đông chỉ cho con học biết ít chữ rồi thôi, cho về nhà làm ruộng rồi chuẩn bị dựng vợ, gả chồng khi đến tuổi cặp kê mười tám, đôi mươi. Cá biệt thập niên 1950 về trước còn có quan niệm không cho con gái học chữ nhiều, sợ lấy cái chữ để “biên thư” cho con trai thì tai họa!
Chính vì quan niệm như vậy nên dân miền Nam ít có người đỗ đạt cao. Mãi đến năm 1826 mới có thí sinh Phan Thanh Giản đậu tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ. Trong khi đó tiến sĩ ở miền Trung và Bắc thì đếm không xuể. Đến thời Pháp đô hộ việc học có mở mang hơn trước rất nhiều, nhưng nếu so với miền ngoài thì vẫn còn kém xa. Tuy nhiên, người miền Nam lại trọng cái khí tiết theo kiểu người hùng Lục Vân Tiên trong tác phẩm thơ của cụ Đồ Chiểu. Bằng cấp không cần nhiều nhưng cần nghĩa hiệp hành xử theo lối “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”. Đó mới là cá tính của dân miền Nam!
Tuy vậy do ít đi học và đọc sách thánh hiền nên lối cư xử của người miền Nam xưa đôi khi cũng thoáng đạt, hời hợt. Lễ nghĩa, phép tắc nhiều chỗ bỏ qua. Khi ăn cơm con cái ít khi mời hay đợi bố mẹ như kiểu miền Bắc mà cứ vào là lùa cơm trước ngon lành. Con cái lớn lên có khi làm chuyện hư đốn, cha mẹ cũng châm chước, bỏ qua, ít vì thế mà đòi từ mặt con.
* * *
Tính cách người miền Nam cũng như phong tục, văn hóa miền Nam là đề tài lớn. Đầu xuân nói chuyện này như cưỡi ngựa xem hoa. Nói vậy chứ trong cốt cách của mỗi người Việt, dù ở vùng miền nào tuy có khác biệt nhưng vẫn có những nét tương đồng. Chúng ta nói về những cái khác biệt là để hiểu và yêu thương nhau hơn. Qua đó cũng góp phần hoàn thiện nhân cách của mỗi con người để tất cả người Việt Nam chúng ta ngày càng trở nên văn minh, nhân bản hơn trong thời đại mới.
Miền Nam trong bài viết này gồm miền Đông Nam bộ (với sáu tỉnh, thành: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM) và miền Tây Nam Bộ (gồm 13 tỉnh, thành: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ). Nam Kỳ Lục Tỉnh, tức sáu tỉnh là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên. Các tỉnh này được vua Minh Mạng thành lập vào năm 1832 từ năm trấn cũ của miền Nam lập từ năm 1808 là Phiên Trấn, Trấn Biên, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Đến năm 1900, thời Tây đô hộ thì Nam Kỳ Lục Tỉnh bị chia ra làm 20 tỉnh như sau: 1) Gia Định chia ra các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh và Gò Công; 2) Biên Hòa chia ra các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một; 3) Định Tường thành Mỹ Tho; 4) An Giang chia ra thành các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ; 5) Vĩnh Long chia ra các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh; 6) Hà Tiên chia ra các tỉnh Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu. Ngoài ra có ba thành phố độc lập là Sài Gòn, Chợ Lớn và Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). |