1. Khi cái gió bắt đầu mang mùi của những luống bông vạn thọ mới búp búp nụ, mùi nồng nồng của những đám cải làm dưa cuốn cái lá đầu tiên thành bắp, mùi ngai ngái thơm của đám cà đầy bông vừa đợt trái đầu để người làm vườn tuyển ra làm mứt thì cũng đồng thời tôi được má dẫn đi chợ để lựa khúc vải bông về may bộ đồ mặc tết.
Lúp xúp chạy theo má trên quãng đường ra chợ, tôi náo nức hình dung về khúc vải còn cứng hồ, tôi sẽ tự lựa cho mình chứ không giống năm trước nữa. Lựa xong, má sẽ dẫn tôi đến tiệm đo may, kiểu dáng cũng sẽ do tôi tự chọn. Năm nay nhất định không may bộ đồ bà ba như năm trước, bộ đồ mà mặc vào chỉ có má thích, còn đám bạn quanh xóm cứ chòng ghẹo tôi là “bà già trầu”.
Hình dung về một mùa tết sắm sanh của hàng mấy chục năm về trước, tôi vẫn còn thấy y nguyên cái không khí rộn ràng đó. Tết, theo quan niệm của nhà quê, ai cũng phải có tấm áo mới, với người lớn thì để đi đến nhà nhau chúc xuân. Có mới là có thêm may mắn, tinh tươm. Với trẻ nhỏ, mặc áo mới đơn giản là để cho mau lớn. Vì vậy, trong hàng trăm chuyện sắm sanh luôn phải có sắm quần sắm áo cho tết. Có những năm vất vả, giữa năm mua được bộ đồ mới, trẻ con luôn được người lớn dặn dò để dành mặc tết. Vậy là xếp đó, chờ đến ngày tết hồi hộp lấy bộ đồ mới keng, có khi còn cả đường phấn của thợ may, mặc trong ngày đầu năm cho hãnh diện.
Mà người lớn thường ưu tiên cho trẻ nhỏ, sắm cho con nít trước cái đã, còn họ thì vẫn bận bộ bà ba của mấy năm cũ, cái quần tây, cái áo sơ mi của năm cũ. Không sao hết, vì quần áo “đi xóm” thì chỉ mặc trong những dịp trọng đại thôi mà.
Con gái miền Tây duyên dáng với áo dài và nón lá. Ảnh: BST
Con gái miệt quê trong những bộ đồ thun gọn gàng, khỏe khoắn. Ảnh: BST
2. Thời gợi nhớ đó qua lâu thiệt lâu rồi và tôi cũng xa quê lâu thiệt lâu. Mỗi năm mùa tết về nhà, tôi không để ý lắm người xứ mình ăn bận tết ra sao. Như má tôi nói, quần áo giờ cũng rẻ mà dễ sắm, nên kiếm áo rách khó hơn áo lành. Được vậy thì mừng quá chớ.
Mà có ăn bận ra sao thì cánh phụ nữ miền Tây vốn nhạy cảm và bắt nhịp nhanh với thời đại nên chuyện mặc thoắt cái trở thành chuyện dễ dàng quá. Ra chợ, tôi thấy cũng đầm đìa váy xống chạy xe máy xách giỏ đi chợ mua ký khoai lạng tép, ý chừng dân xa xứ mới về lại quê. Nhưng hỏi ra thì không phải.
Giờ, những sạp vải quê chuyển sang bán quần áo may sẵn, vải chắc chỉ còn dành cho người thích may quần áo cho những dịp quan trọng. Thời đồ may sẵn lấn sân, nhưng không lấn mất những tiệm may thời xưa cũ. Nghề may, đến tết vẫn chật chỗ, nhưng người đi may hầu như chỉ còn những người trọng tuổi. Như má tôi, sắm khúc vải để may mấy bộ quần áo túi. Dì tôi thì may cho cả nhà mấy bộ đồ trắng đi lễ. Cô tôi may bộ đồ complet đặng tết nay đi hỏi cưới vợ cho thằng con trai. Ít có những người trẻ trẻ hoặc con nít đi tiệm đi may nữa. Tôi hỏi giờ có ai may áo bà ba mặc tết không má, má nói ít lắm, vì bà ba coi vậy mà hông tiện, với giờ ai cũng có vẻ dễ đẫy đà hơn, bà ba mặc mau chật lắm.
3. Hình ảnh một người con gái miền Tây thướt tha chèo đò trong chiếc áo bà ba hình như chỉ còn trong phim ảnh. Phụ nữ miền Tây ngày nay dường như đã in dấu trong tâm trí nhiều người với một hình ảnh khác. Đó là bộ đồ bằng vải thun láng.
Loại vải thun in bông này xuất xứ từ miệt Campuchia, Thái Lan. Chúng được bán sỉ nhiều nhất ở quê tôi là chợ Hồng Ngự. Những tiệm may gia công đến xứ đó lấy vải về cắt may theo ni và những người bán lẻ sẽ lấy đồ may sẵn phân phối đi khắp các chợ quê. Mặc hàng này có kiểu giống giống nhau: áo cổ tim, cổ tròn có tay ngắn hoặc sát nách, quần có túi hai bên, mông ôm, ống nhỏ. Kiểu quần áo này chỉ có phụ nữ cỡ U30 mặc còn coi được, mấy bà mấy chị bụng to đùi to mặc nhìn cũng hơi buồn cười vì nhiều ngấn mỡ lộ ra quá. Nhưng phụ nữ quê chuộng mặc kiểu vải thun này vì tiện lợi, vừa có thể mặc ở nhà làm lụng mà vẫn có thể ra chợ. Thậm chí lựa vải “xịn” một chút thì vẫn có thể mặc đi đám tiệc.
Kiểu quần áo này đến bây giờ vẫn chưa mất đi, mà dường như trở thành “mốt” riêng cho đàn bà con gái miền Tây. Một lần nghe ông anh nghệ sĩ từ Sài Gòn về bảo: thích nhất hình ảnh phụ nữ miền Tây trong bộ đồ bộ bằng thun, nhìn họ khỏe khoắn, đầy đặn và nồng hậu.
Và tết thì vẫn tết, cái ăn cái mặc bao đời vẫn cứ là cái lo canh cánh lòng của nhiều đời. Đi quanh chuyện mặc tới chuyện cuộc đời. Đi quanh chuyện mặc cũng vòng vo vào chuyện chị em.
Tôi thích cái từ nồng hậu của người xứ khác nói về phụ nữ xứ mình, dù đôi khi cũng chạnh lòng khi nghe kèm một đánh giá hời hợt hay dễ tin. Nhưng sống khôn hay sống dại, họ vẫn là phụ nữ và tôi vẫn tin họ vịn vào bộ bà ba của dĩ vãng để nhớ rằng mình cũng có một lịch sử tự hào. Vậy, để rồi biết chăm chút và yêu thương chính cuộc đời mình.