Giày cỏ, áo lụa và ghe lườn

Kể rằng 16 tuổi Nguyễn Văn Thoại đã theo giúp Nguyễn Ánh. Ông là người thông thuộc vùng đất mà sau này Minh Mạng đặt tên cho là Nam Kỳ. Đi với ông là những nông dân Nghệ Tĩnh, vùng ba Quảng và sau này cả những người đã từng thuộc về Tây Sơn - Bình Định, những chiến binh bẩm sinh.

Hăm hở hơi thở bờ cõi

Tổ tiên của người đang được nhắc đến thuộc đất võ. Ông tổ dừng chân ở sông Tiền có lẽ vào thời tướng Thoại mộ người xẻ kinh. Kinh Thoại Hà khởi công năm 1818 dài 30 km nối Long Xuyên với Rạch Giá, năm 1819 khởi công nốt Vĩnh Tế dài gấp ba lần nối Châu Đốc với Hà Tiên - kênh này mới là kênh quốc phòng, lấy mặt nước làm biên thùy.

Hơi thở bờ cõi hăm hở trong huyết quản của những người Nam tiến bằng giày cỏ và ghe lườn. Họ mang theo máu làng nghề. Ngoài nghề thâm canh lúa nước và nghề rẫy còn có nghề lụa, nghề rèn, nghề đan lát, nghề gỗ và cả nghề bánh khéo. Minh Mạng là vị vua đích thực sắp xếp lại giang sơn. Đại Nam được chia làm ba kỳ, trấn thành tỉnh và ông cũng là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam hào phóng lấy núi lấy sông đặt tên cho tướng. Thoại Sơn (gốc là núi Sập) và Thoại Hà là con kinh dài 30 km ấy. Hơn thế, bà Vĩnh Tế vợ Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại còn được đặt tên cho con kinh chiến lược làm ranh giới tây nam của Đại Nam và Cao Miên, công trình huy động có lúc tới 80.000 người cả Việt lẫn Miên.

Một thời kỳ mở mang hoan hỉ. Đã có thể hình dung tổ tiên người Bình Định của ông đi vào với tinh thần gì. Gặp chính sách nông nghiệp hợp lòng người của Minh Mạng nên miệt vườn hình thành như có phép màu. Dẹp cướp, trừ phỉ, chiến đấu với thú dữ, đất khô chân giày cỏ, đất sình chân đất, làm thủy lợi nội đồng, lập làng lập chùa lập đình, lập cả những gánh hát bội để gươm và đàn song hành trong đời sống tinh thần của di dân.

Một trăm năm trôi vèo. Năm thế hệ cư dân Bình Định ngày nào đã có điền chủ bên bờ sông Tiền, nơi người Khmer bản địa từng giắt nọc cấy lên mái hiên co chân chờ bốn tháng nước rút mới bắt đầu làm lúa mỗi năm một vụ. Canh cửi, trồng tỉa, hàng hóa xôn xao. Sông nước mênh mang phóng khoáng, cây cối dễ hoa dễ trái hữu tình, con người sinh sôi như phù sa, như nước ngọt. Đàn ông đờn ca tài tử, đàn bà làm bánh khéo và con cháu đã có người đi học trường Tây bằng tàu hỏa Mỹ Tho - Sài Gòn. Gia phả được lập, ông là đời thứ sáu của dòng họ không quên tinh thần thượng võ mỗi ngày, cộng thêm thiên nhiên thấm đẫm hồn hậu.

Chiếc ghe lườn với người dân  trồng hoa ở Sa Đéc. Ảnh: BST

 

Vẫn còn đó ghe lườn

Một trăm năm chớp mắt nhưng một trăm năm cũng thật là dài. Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại sau bao nhiêu hàm oan từ cuối thời Minh Mạng đã được Tự Đức phục hồi tất thảy, lòng dân biên địa đã xây lăng mộ cho ông. Văn hóa mồ mả được củng cố, mộ tròn của những ông tổ đời thứ nhất, thứ hai. Có mộ tháp cho ông bà nội của ông, hai người có công hiến đất xây chùa cho làng xã. Đã thấy trên bàn của ông Cả cha của ông truyện Kim Vân Kiều in bằng chữ quốc ngữ và khi Trương Vĩnh Ký chưa kịp in Lục Vân Tiên thì dân gian đã truyền miệng làu làu truyện thơ ấy. Cây sao, cây xoài đã thành cổ thụ nhưng ông tâm niệm “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Ông là dòng thứ của người con trai út, tấm áo phù sa đơn giản nhưng lòng người ở nơi người đông của khó thì phức tạp.

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân núi Sam (phường Núi Sam, Châu Đốc, An Giang). Ảnh: Thành Nguyễn

Nhất quyết ra đi. Thì đi! Không giày cỏ nữa, giày cỏ hết thời rồi. Nhưng ghe lườn thì thực sự hữu ích. Năm anh em trai nhà ông cùng đồng lòng phải rời sông Tiền nước dữ, lụt lội trầm kha, đi, sông Hậu hiền lành hơn, đi thôi! Mẹ mất sớm, rồi ông Cả cha của ông cũng thành thiên cổ, các ông hạ sao, bổ đôi từng đoạn, thành những chiếc chiếc ghe lườn ngoại cỡ. Ông mang theo những tảng đá kê cột nhà để làm kỷ niệm và truyện Kim Vân Kiều, bà mang theo truyện thơ Lục Vân Tiên, những tuồng tích hát bội và nỗi niềm sẽ không có sân đình để lên đoạt đạo cụ của nhà gánh mà hát cho phỉ chí nữa.

Nếu nhìn từ trên cao, năm chiếc ghe lườn như những vỏ trấu trên mặt sóng chập chã của sông Hậu. Kinh xáng Xà No vừa mở, các anh em nhà ông đi xuyên qua một cánh đồng có những điền chủ Tây sở hữu hàng trăm ngàn mẫu. Sông Cái Tư, sông Cái Lớn, mùi của đại dương rất gần, nước nhảy lân tinh cùng với đom đóm kia kìa. Cắm sào ngẫu hứng, ông nghe thấy cá sấu quẫy đuôi dưới lục bình. Là trưởng, ông chủ trương “thà mỏi chân hơn mỏi miệng”, các em mỗi người tậu một sở đất cách nhau vài cây số. Ông chọn hai hecta bên con vịnh, ông kế chọn cuối kinh Xà No cho gần chợ, một ông kế nữa chọn một vịnh khác, một ông nữa tậu nguyên cái doi một trăm hecta và ông út chọn thương hồ, đi tít Cà Mau.

Mang theo canh cửi, những bộ đồ cho công cuộc thủy lợi nội sinh và khí chất cha ông, mọi thứ trong đầu, trong tim và đôi chân vạn dặm. Cây bần cây tràm, biền lá dừa nước và khỉ và đom đóm. Hề gì so với tổ tiên đi cùng với tướng Thoại chiến đấu với cả cọp beo. Đào gốc tràm, xẻ liếp, trồng sao và trồng dâu nuôi tằm dệt lụa trong lúc chờ đất xổ phèn. Lại rủ nhau xây đình cho gánh hát tìm về. Lại lập đờn ca tài tử cho con. Xưởng dệt nức tiếng cả vùng được đi Rạch Giá thi đấu xảo.

Và rồi chưa gì thì các con của ông bị cuốn vào cuộc trường chinh khác có tên là chiến tranh. Tinh thần thượng võ lại sống dậy bừng bừng, đi thôi! Lần này thì ông thành người đứng lại ôm truyện Kiều, bà giải khuây nỗi nhớ con bằng Lục Vân Tiên trong khi con trai của ông hăm hở “Từ độ mang gươm đi mở cõi./ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Vậy đó. Luôn luôn cất bước, ăn to nói lớn, vườn ruộng bạt ngàn, mấy trăm năm Nam tiến đã cho dân lục tỉnh những phẩm chất nếu không vượt trội thì cũng đặc sắc, sản phẩm của một giai đoạn lịch sử di dân sôi động, bền bỉ và hào sảng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm