Tang lễ nhà văn Trang Thế Hy tại nhà riêng ở Bến Tre lặng lẽ như bao người nông dân ở quê, chỉ khác là ngoài gia đình, họ hàng thì có rất đông văn nghệ sĩ đến tiễn đưa.
Trước linh cữu ông tại nhà riêng ở Bến Tre, nhà thơ Trần Hoàng Nhân thảng thốt: “Mới ngày nào tiễn ông ra xe từ đám giỗ nhà văn Sơn Nam về Bến Tre. Nay thì tiễn ông nghìn trùng”.
“Chuyến đi này của ông Tư, tôi coi như một người bạn sắp dọn ở chỗ xa chắc lâu lắm mới gặp lại (chắc chắn sẽ gặp lại, tin vậy). Mà chúng tôi cũng đã dặn nhau rồi, không gọi điện nói chuyện, không ghé thăm cũng không có nghĩa là không nhớ tới nhau…” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ. Nhận được tin lúc sáng sớm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vội vã đón chuyến xe đò từ Cà Mau về Bến Tre. Chị cho biết sẽ ở lại với ông trong hai đêm cuối cùng trước khi đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, viết sổ tang. Ảnh: DIỆU THÙY
Nhà văn Nguyễn Trọng Tín bỏ việc ruộng rẫy từ Tây Ninh lặn lội về Sài Gòn ngay trong đêm để sáng hôm sau có mặt ở Bến Tre, tại nhà ông Tư Sâm - tên gọi thân mật của nhà văn Trang Thế Hy.
Ngày hôm qua, đến tiễn đưa ông có rất nhiều nhà văn, nhà thơ ở nhiều thế hệ khác nhau: Nguyễn Duy, Nguyễn Trí Huân, Trần Văn Tuấn, Tô Hoàng, Thu Nguyệt, Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng, Trần Hữu Dũng, Vũ Duy Chu,… Có người đã từng gặp ông ngoài đời khi nhà văn còn chưa “đi chỗ khác chơi” - nghĩa là về quê sống hẳn với vợ con, với ngôi nhà, mảnh vườn thơ ấu, có người mới chỉ gặp ông trên trang sách.
Trang Thế Hy ra đi ở tuổi 91 nhưng không ít người vẫn bàng hoàng khi nhận tin ông mất.
Với nhiều người, Trang Thế Hy không chỉ là một người viết nghiêm cẩn với từng con chữ, mà hơn thế, họ kính trọng ông bởi cách sống. Câu nói nổi tiếng của Trang Thế Hy “Cái gì không hoặc chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến” vẫn được nhắc đến như một cốt cách ngay thẳng, một thái độ sống giữ mình thanh sạch với chính mình. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn trong lòng người ở lại.
Cuộc đời vắng thêm một người đã buồn, vắng thêm một người như nhà văn Trang Thế Hy lại càng buồn hơn. Bởi ông là một trong số ít người còn lại của giới văn chương Nam Bộ thời khai phá. Cái thời cùng với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… Trang Thế Hy rất lạ! Ông lặng lẽ sống, lặng lẽ chiêm nghiệm, lặng lẽ chia sẻ bằng trí tuệ mẫn tiệp tinh tế mà đau đáu nỗi niềm. Một thứ nỗi niềm có vẻ rất riêng, như là chỉ có của ông, chỉ là ông nhưng thực ra thì rất chung, rất phổ quát, rất Người! Ông VÕ THÀNH HẠO, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hội Nhà văn Việt Nam vô cùng thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của nhà văn Trang Thế Hy. Ông là một trong không nhiều những nhà văn đã làm giàu có thêm ngôn ngữ, phẩm cách của con người Nam Bộ. Ở lĩnh vực này, ông là một tác giả lớn. Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã có văn bản chính thức đề nghị Đảng, Nhà nước tặng giải thưởng Nhà nước về văn học để ghi nhận những đóng góp của ông. Tiếc thay, ông đã ra đi trước khi đề nghị của Hội Nhà văn trở thành hiện thực… Ông NGUYỄN TRÍ HUÂN, |