Tờ Asian Nikkie Review dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết công ty sở hữu các tàu này nhận được hai cuộc điện thoại từ hôm 26-3 từ một nhóm người tự xưng là nhóm phiến quân Abu Sayyaf và yêu cầu một khoản tiền chuộc.
"Ưu tiên hiện giờ của chúng tôi là sự an toàn của 10 thuyền viên," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Arrmanatha Nasir cho biết.
Abu Sayyaf ở Philippines đã nổi tiếng với các vụ bắt cóc hàng chục du khách nước ngoài để đòi tiền chuộc trong đầu những năm 2000. Ảnh: AFP
Theo ông Nasir, tàu kéo Brahma 12 và sà lan Anand 12, chở 7.000 tấn than bị tấn công khi đang di chuyển từ Sungai Putting, tỉnh Nam Kalimantan, miền Trung Indonesia, đến Batangas, miền Nam Philippines.
Ông cho biết hiện vẫn chưa biết chính xác họ đã bị tấn công khi nào. Ông nói thêm, chiếc tàu kéo đã được thả ra nhưng những kẻ cướp biển này vẫn đang giữ chiếc sà lan cùng 10 thuyền viên.
Thông tin trên được loan tin đầu tiên trong tài khoản nhóm Facebook của các thủy thủ người Indonesia vào ngày 27-3 sau khi họ đọc được dòng trạng thái của thuyền trưởng tàu kéo Peter Tonsen Barahama trên tài khoản Facebook của ông. Dòng trạng thái viết rằng thuyền của ông đã bị hải tặc tấn công và tất cả thành viên của đoàn đã bị nhóm Abu Sayyaf bắt giữ.
Abu Sayyaf, tổ chức được Mỹ và Philippines gọi là tổ chức khủng bố, nổi tiếng với các vụ đánh bom, tống tiền và bắt cóc để đòi tiền chuộc ở phía nam Philippines. Thủ lĩnh của tổ chức này đã tuyên bố trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhóm này là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất đối với Philippines.
Tháng 11-2015, Abu Sayyaf đã chặt đầu một công dân Malaysia vì không chịu nộp tiền chuộc.
Tổ chức này đã trở nên yếu đi do các cuộc tấn công của Mỹ nhưng vẫn còn là một mối đe dọa an ninh.
Abu Sayyaf được thành lập vào những năm 1990 với khoảng 500 thành viên.