10 tỷ đồng đầu tư điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng

Ngày 22-2, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng tại đồi Bài Nài, phường Phú Hài, TP Phan Thiết.

Mục tiêu đầu tư là nhằm tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch địa phương.

Quy mô đầu tư gồm: Nhà truyền thống: nhà trệt ; sửa chữa tháp canh và 11 lô cốt.

Ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ như cổng chào, nhà vệ sinh, sân đường, tường chắn, bể nước, cây xanh, cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc và các hạng mục phụ trợ có liên quan.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án gần 10 tỷ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn với thời gian thực hiện dự án 3 năm, kể từ năm 2021 - 2023. 

Phối cảnh dự kiến xây dựng Lầu Ông Hoàng

Như đã đưa, tháng 12-2020, ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL Bình Thuận đã có báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng.

Theo báo cáo, Lầu Ông Hoàng là di tích tham quan nằm trên đồi Bài Nài, một trong năm ngọn đồi đẹp ở phường Phú Hài, Phan Thiết, cách trung tâm Phan Thiết 7 km. Đây là biệt thự do một công tước người Pháp đầu tư xây dụng từ năm 1911. Khi xây xong nó được xem là công trình hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ.

Địa danh này cũng gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết.

Năm 1945, quân đội Pháp đã xây dựng một hệ thống đồn bốt với nhiều lô cốt quanh Lầu Ông Hoàng để canh giữ toàn vùng Phan Thiết. Từ đó khu vực Lầu Ông Hoàng trở thành nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Ngày nay, Lầu Ông Hoàng đã trở thành tàn tích.

“Trước thực trạng nêu trên, việc đầu tư xây mới công trình Điểm Du lịch Văn hóa Lầu Ông Hoàng là hết sức cần thiết, nhằm tái tạo lại phế tích Lầu Ông Hoàng, các di tích chiến tranh cũng như tái hiện lại chuyện tình lãng mạn của Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm. Ngoài ra cũng góp phần tạo cảnh quan môi trường, mỹ quan, phát triển đa dạng sản phẩm phục vụ khách du lịch” - báo cáo nêu.

Phối cảnh Lầu Ông Hoàng trên đồi Bài Nài

Các hạng mục công trình nằm trong diện tích đất 4,4 ha đang thực hiện thủ tục để giao lại cho Sở VH-TT&DL quản lý theo chủ trương của UBND tỉnh. 

Lầu Ông Hoàng vốn là một biệt thự do Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây, nhưng đến nay đã bị phá hủy và chỉ còn là tàn tích. De Montpensier cũng là ông chủ Khách sạn Continental nổi tiếng ở Sài Gòn. Địa danh này cũng gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết và đặc biệt nổi tiếng sau ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Vào năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhận thấy phong cảnh tại những ngọn đồi xung quanh Phan Thiết rất hữu tình, ông đã mua lại mảnh đất rộng 536 m2, cách Tháp Po Sah Inư 100 m về hướng nam đê xây dựng biệt thự.

Tòa biệt thự được khởi công xây dựng ngày 21-2-1911 với quy mô 13 phòng rộng cùng nhiều tiện nghi phụ trợ, như máy phát điện đặt dưới tầng hầm, bể chứa nước có thể dùng đủ cả năm. Tên gọi Lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp cư ngụ ở đây.

Tháng 7-1917, Công tước De Montpensier bán lại biệt thự cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Sau này vua Bảo Đại mới mua lại.

Ngày nay, phần lớn công trình đã bị mất dấu vết. Nhiều người đến đây đã lầm tưởng cụm lô cốt quân sự xấu xí với nhiều lỗ châu mai lỗ chỗ vết đạn còn sót lại cách Tháp Po Sah Inư về hướng Nam khoảng 100 m là lâu đài của công tước De Monpensier.

Địa danh Lầu Ông Hoàng còn gắn với tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử khi ông viết bài thơ "Phan Thiết Phan Thiết":
...Lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới