Theo đó, công trình văn hóa quan trọng này đã qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa triển khai xây dựng được. Người dân trong tỉnh mong muốn đầu tư nhưng không có nguồn lực sau khi phá dỡ Nhà hát ngoài trời do xuống cấp.
Công trình được đầu tư xây dựng tại vị trí cũ theo quyết định từ tháng 2-2007. Do đó việc rà soát hồ sơ phải chặt chẽ, đầy đủ thủ tục từ chủ trương đầu tư đến các bước lập, bổ sung hồ sơ. Ngoài ra còn triển khai nhiệm vụ thiết kế, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, thiết kế thi công… UBND tỉnh cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp và có nhiều văn bản bởi công trình này phải tổng hợp, báo cáo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
Đặc biệt, đây cũng là công trình kéo dài nhiều năm, nhiều thời kỳ. Chính sách quy định trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ đã có nhiều thay đổi như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị… Do đó việc rà soát đầy đủ là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện lại quá chậm. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, chủ đầu tư (Sở VH-TT&DL) chỉ chú ý đến công tác đấu thầu thi công, chưa tập trung rà soát kỹ từ khâu chủ trương đầu tư như đã nêu.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, vừa qua công trình đã được báo chí, dư luận rất quan tâm, do đó yêu cầu chủ đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP Phan Thiết tổ chức cung cấp thong tin rộng rãi để tạo sự đồng thuận. Đặc biệt phải lấy ý kiến Hội Kiến trúc sư tỉnh, Hội Xây dựng tỉnh.
Quá trình lấy ý kiến cộng đồng phải nêu những nội dung lớn, trọng tâm như quy mô, vị trí, hồ sơ thiết kế, kiến trúc, hồ sơ kết cấu công trình, việc bố trí công năng sử dụng, việc sử dụng vật liệu xây dựng… Qua đó tiếp thu, tổng hợp ý kiến phản hồi từ nhiều phía, kể cả ý kiến của cán bộ, nhân dân và dư luận, báo chí để báo cáo UBND tỉnh và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến.
Như tin Pháp Luật TP.HCM đã đưa, công trình Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật Bình Thuận đang chuẩn bị khởi công tại quảng trường Nguyễn Tất Thành (Phan Thiết) với tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, công trình sử dụng thiết kế từ 11 năm trước (2007) đã lạc hậu, cạnh đó lại lợp tôn khiến nhiều người lo ngại về việc cách âm, tiêu âm của nhà hát.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng ở vị trí trên là quá nhỏ hẹp, cần phải tìm vị trí khác cho tương xứng và sử dụng lâu dài hơn. Cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng không nên xây nhà hát vào lúc này mà để kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình cần thiết hơn như trường học, bệnh viện.