Trao đổi với PLO ông Phan Mười, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum, cho biết sở đã nhiều lần báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, các cơ quan chức năng trung ương khắc phục thiệt hại các công trình giao thông.
Đường hư hỏng nhưng thiếu kinh phí khắc phục
Cuối tháng 4-2024, người dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM đường N5 đoạn nối quốc lộ 14 với đường NT18 đi cửa khẩu quốc tế Bờ Y bị sạt lở hàng chục năm nay nhưng chưa được khắc phục.
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy nhiều tấn đất đá từ một quả đồi tràn xuống, lấp nửa con đường khiến đoạn một chiều bị cắt đứt.
Theo ông Thái Thanh Bình, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế tỉnh Kon Tum (đơn vị quản lý đường N5) con đường này bị sạt lở từ năm 2013. Ban đầu, các cơ quan chức năng xác định chưa vội khắc phục vì địa chất vùng này không ổn định; cần có thời gian khảo sát để đưa ra phương án xử lý triệt để.
“Chúng tôi đang tham mưu phương án khắc phục vị trí sạt lở này, với dự kiến kinh phí gần 20 tỉ đồng” – ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Trong khi đó, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cho biết địa phương này vẫn còn một số vị trí hư hỏng nặng do thiên tai chưa được sửa chữa, vì thiếu kinh phí.
Đó là tuyến Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh đoạn từ xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đi xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei cần hơn 8 tỉ đồng. Con đường này hiện có nhiều đoạn đất, đá sạt tràn xuống mặt đường và nhiều đoạn xảy ra nứt gãy, sạt lở hàm ếch ở phía vực sâu.
Khi mùa mưa bão năm 2023 kết thúc, Sở GTVT tỉnh Kon Tum báo cáo, đề xuất khắc phục 12 công trình giao thông bị thiệt hại do thiên tai, dự kiến kinh phí hơn 36 tỉ đồng.
Ông Phan Mười, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum, nói: “Khối lượng công trình giao thông ở tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ chưa khắc phục đến nay còn tương đối nhiều. Nguyên do là nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu khắc phục triệt để”.
Loay hoay chờ giám định
Tháng 8-2023, tại Đắk Nông có mưa lớn kéo dài làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng, trong đó có công trình thủy lợi Đắk N’ting ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.
Ở phía sườn đồi nằm bên vai phải tràn xả lũ xuất hiện cung trượt lớn kéo dài hàng trăm mét; hai bên mái, mặt cầu công trình bị nứt vỡ bê tông… Trong khi mùa mưa lũ năm 2024 đang đến gần nhưng địa phương này vẫn chưa xử lý xong.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông xác nhận tình trạng trên và cho biết sở đã mời một số chuyên gia, tư vấn khảo sát để xác định nguyên nhân sạt trượt ở công trình thủy lợi Đắk N’ting. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nhận lời.
“Chúng tôi sẽ có báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTN cử một đơn vị của bộ để nghiên cứu, tìm giải pháp giúp địa phương” – vị lãnh đạo này thông tin.
Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư công đập thủy lợi Đắk N'ting, nói cơ quan này đang chờ kết quả giám định nguyên nhân sạt lở tại công trình mới có phương án xử lý tiếp theo và phải mất khá nhiều thời gian.
Năm 2023 cũng xảy ra hiện tượng sụt lún tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Sau đó, xuất hiện một làn đường đứt gãy, gây chia cắt giao thông cục bộ; hàng chục hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Đắk Nông vẫn chưa xử lý triệt để sự cố này.
Ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, thông tin Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông đã thuê đơn vị kiểm định để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục.
“Sau khi có kết quả giám định, nhà đầu tư mới lựa chọn nhà thầu, tư vấn để khảo sát, lập dự án mới triển khai thi công được” – ông Bản nói.
Đường hỏng đang chờ xin kinh phí
Theo ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, UBND xã đã kiến nghị các đơn vị liên quan sớm sửa chữa tỉnh lộ 7 nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân.
Tháng 10-2023, tỉnh lộ 7 bị sụt lở do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài. Vết sụt lở lấn vào mặt đường bê tông nhựa hơn 1 m, kéo dài gần 20 m, vết nứt chạy dọc theo ta luy nền đường phía bên phải tuyến kéo dài 60 m.
Vị trí hư hỏng trên thuộc dự án cải tạo, nâng cấp và kéo dài tỉnh lộ 7, khởi công năm 2019, hoàn thành năm 2021 với tổng mức đầu tư 70 tỉ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Trao đổi với PLO, đại diện chủ đầu tư cho biết qua khảo sát, đánh giá, các đơn vị chuyên môn nhận định phải thực hiện gia cố lại vị trí bị sạt lở tại tỉnh lộ 7. “Hiện Sở GTVT tỉnh Đắk lắk đang đề nghị cấp vốn bổ sung, khả năng cuối năm nay sẽ được bố trí vốn để gia cố, sửa chữa”- đại diện chủ đầu tư thông tin.