Đây là 12 trong số 51 giáo viên bị Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc vào năm 2017.
Trong đơn khởi kiện, các giáo viên cho rằng Phòng GD&ĐT huyện ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động không đúng luật. Các giáo viên yêu cầu tòa tuyên hủy thông báo này, tiếp nhận trở lại làm việc. Ngoài ra, bị đơn phải bồi thường các khoản thiệt hại từ ngày bị chấm dứt hợp đồng lao động đến nay.
Trong khi phía bị đơn là trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho rằng việc ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 51 giáo viên là do phải tuân theo quyết định của UBND tỉnh về việc thu hồi tuyển dụng 100 lao động trong ngành giáo dục của huyện Tây Hòa. Việc phải chấm dứt hợp đồng lao động là vì tình hình học sinh trên địa bàn huyện giảm, giáo viên bị thừa. Đến nay do không còn vị trí việc làm nên Phòng GD&ĐT không thể nhận lại các giáo viên.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện cũng xác nhận đã đến từng nhà giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động vận động, thương lượng hỗ trợ 72 triệu đồng đối với mỗi người có bằng đại học. Với giáo viên có bằng cao đẳng thì sẽ hỗ trợ hơn 65 triệu đồng để các giáo viên này rút đơn khởi kiện. Theo bị đơn, việc hỗ trợ này nhằm giúp các giáo viên tìm việc làm mới nhưng tất cả giáo viên đều không chấp nhận.
Các luật sư bảo vệ cho 12 giáo viên cho rằng việc chấm dứt hợp đồng từ ngày 5-9-2017 trong khi Phòng GD&ĐT huyện ra thông báo trước 21 ngày là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Lao động. Trước khi ra thông báo, Phòng GD&ĐT huyện cũng không trao đổi với người lao động, không thông báo với cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh. Vì thế thông báo chấm dứt hợp đồng không có giá trị pháp lý, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Lao động, ảnh hưởng quyền và lợi ích của người lao động.
Theo các luật sư, Phòng GD&ĐT huyện còn vi phạm nghiêm trọng khi chấm dứt hợp đồng đối với cô giáo Ngô Thị Thu đang mang thai bốn tháng và cô giáo Trần Thị Hiền đang nuôi con nhỏ bảy tháng tuổi. “Bộ luật Lao động đã quy định rõ là không chấm dứt hợp đồng đối với người đang mang thai và người đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi” - một luật sư dẫn chứng.
Đại diện VKSND huyện Tây Hòa đề nghị HĐXX tuyên buộc Phòng GD&ĐT huyện bồi thường 72 triệu đồng đối với mỗi giáo viên có bằng đại học, hơn 65 triệu đồng đối với giáo viên có bằng cao đẳng vì đã chấm dứt hợp đồng lao động không đúng luật. Tuy nhiên, VKS lại đề nghị tòa tuyên không nhận hợp đồng lại đối với 12 giáo viên là nguyên đơn trong vụ này.
HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 19-4.