“HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của 33 hộ dân nuôi cá tại khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, buộc 11 doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản xả thải gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại hơn 13,2 tỉ đồng”.
Chiều 22-12, TAND TP Vũng Tàu đã tuyên xử như trên. Trong đó, DN phải bồi thường nhiều nhất là hơn 3,5 tỉ đồng, ít nhất là 103 triệu đồng. Về phía các hộ dân, người được nhận tiền bồi thường nhiều nhất là hơn 2,1 tỉ đồng, người ít nhất là hơn 50 triệu đồng.
Cá sống không nổi vì ô nhiễm
Theo diễn biến phiên tòa, ngày 6-9-2015, cá được nuôi lồng, bè của người dân bỗng nhiên chết hàng loạt. Sau sự cố, cơ quan chức năng xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) đã tiến hành lập biên bản thực tế, ghi nhận thiệt hại cá nuôi của người dân bị chết và tiến hành điều tra nguyên nhân.
Tiếp đó, báo cáo ngày 30-9-2015 của Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, đơn vị được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mời tham gia lấy mẫu nước, làm các xét nghiệm khoa học, cho biết nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước. Trong đó, nguồn thải từ cống số 6 chiếm tỉ lệ 76,64%. Việc ô nhiễm là do quá trình tích tụ từ trước, trong đó có việc xả thải từ 14 DN chế biến hải sản tại khu vực này.
Trên cơ sở này, 33 hộ dân đã làm đơn khởi kiện các DN ra tòa yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong quá trình hòa giải, DNTN Mỹ Sương và Công ty TNHH Nghê Huỳnh đã đồng ý bồi thường cho người dân nên các hộ rút yêu cầu khởi kiện. Tại phiên tòa, các hộ dân cũng đã rút yêu cầu khởi kiện đối với Chi nhánh DNTN Thành Đạt do không đúng đối tượng nên được tòa chấp nhận.
Tòa tuyên các hộ có cá chết thắng kiện, buộc các doanh nghiệp gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại. Ảnh: TK
Yêu cầu bồi thường có cơ sở
Trong yêu cầu khởi kiện, các hộ dân yêu cầu 11 DN xả thải phải bồi thường thiệt hại theo mức độ là 76,64%. Số tiền bồi thường cho các hộ dân tương ứng với tỉ lệ đóng góp ô nhiễm của từng DN.
Theo HĐXX, dù các hộ dân đưa ra số liệu chênh lệch nhưng không đáng kể. Điều này là do biến động của thị trường, kỹ thuật nuôi của từng hộ. Vì thế, việc các DN căn cứ vào sự không thống nhất này để bắt bẻ bà con và cho rằng kê khai không trung thực là thiếu thiện chí. HĐXX căn cứ vào các biên bản thống kê thiệt hại của người dân, có đại diện địa phương, đoàn kiểm tra thống kê ký xác nhận để tính toán bồi thường.
HĐXX cũng xét thấy Viện Môi trường và Tài nguyên là một đơn vị làm khoa học công nghệ môi trường có uy tín. Viện lấy mức tải lượng xả thải cao nhất để tính tỉ lệ % gây ô nhiễm cho từng DN là khách quan, không có thiên vị. Báo cáo này không phải là đối tượng để giám định mà chỉ được thẩm định lại bởi một hội đồng khoa học cấp cao hơn. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật, thẩm phán không có quyền thẩm định lại một báo cáo khoa học. Do đó không có căn cứ để HĐXX chấp nhận yêu cầu giám định lại báo cáo trên của các DN.
Trên các cơ sở chứng cứ khách quan đó, tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người dân, buộc các DN gây thiệt hại phải bồi thường như đã nêu trên.
Sau phiên tòa, đại diện một số DN cho rằng họ sẽ làm đơn kháng cáo. Riêng các hộ dân thì vui mừng với phán quyết của tòa và trông đợi các DN thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
Các doanh nghiệp bị đơn yêu cầu giám định lại thiệt hại Liên quan đến vụ án, trong quá trình tố tụng, các DN cho rằng tại báo cáo kết luận đưa ra tỉ lệ và nguyên nhân gây ô nhiễm dẫn tới cá chết, việc áp dụng quy định của pháp luật là chưa đúng, cách thức tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm không phù hợp. Các DN cũng yêu cầu phải giám định lại báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên vì cho rằng không khách quan. Ngoài ra, các DN cũng yêu cầu triệu tập người làm chứng về việc mua cá giống, thức ăn của các hộ dân do nghi ngờ các hộ kê khai không trung thực… |