Tham dự phiên tòa có các hộ dân, doanh nghiệp (DN), các luật sư bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên. Ngoài ra, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các cơ quan chức năng cũng có mặt để tham gia phiên tòa. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong ba ngày.
Sau phần thủ tục, chủ tọa nhận xét dù yêu cầu đòi bồi thường của các hộ dân là khác nhau nhưng cơ bản phần chứng cứ tương tự nhau. Tòa đề nghị lần lượt các hộ dân thông qua luật sư đại diện đưa ra căn cứ pháp lý cùng chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của mình. Chủ yếu các hộ dân đều căn cứ vào kết quả công bố nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết tháng 9-2015 của Viện Môi trường - Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Theo kết quả này, hơn 76% nguyên nhân cá chết là do nguồn nước bị ô nhiễm từ việc xả thải của các nhà máy chế biến hải sản - bị đơn ra cống số 6 tại khu vực xã Tân Hải, huyện Tân Thành. Tuy nhiên, cách tính ra số tiền thiệt hại giữa các hộ dân có sự khác nhau. Có một số hộ đòi bồi thường tính theo tỉ lệ 76% nhưng có những hộ yêu cầu tính 100% thiệt hại.
Buổi chiều phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra.
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, tháng 9-2015, hàng trăm tấn cá nuôi lồng bè của 33 hộ dân nuôi trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu bị chết, gây thiệt hại khoảng 18 tỉ đồng.
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu làm cá chết là do nước xả thải trong quá trình sản xuất của 14 DN chế biến hải sản ở xã Tân Hải. Do vậy các hộ dân kiện 14 DN đòi bồi thường thiệt hại. Trước khi có quyết định mở phiên tòa, một số DN đã đồng ý bồi thường cho các hộ dân. Các hộ dân đã nhận tiền và rút khởi kiện đối với các DN này.