Công bố nguyên nhân cá chết tại Vũng Tàu

Chiều 17-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt tại sông Chà Và, xã Long Sơn mấy ngày qua là do thiếu ôxy và độ mặn của nước. Còn một số nguyên nhân phụ khác và yếu tố do xả thải không phải là nguyên nhân chính.
Theo ông Cường, từ đầu tháng 10-2016, diễn tiến thời tiết của khu vực và Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều trận mưa lớn. Trong đó cụ thể khu vực TP Bà Rịa, xã Long Sơn và xã Tân Hải, huyện Tân Thành mưa dẫn tới hiện tượng nước mưa tích tụ nhiều ngày ở các khu vực trũng. Sau đó mưa lớn khiến nước tràn xuống tác động gây ra hiện tượng thiếu ôxy nước ở dưới sông, trong đó có khu vực sông Chà Và nơi người dân đang nuôi cá lồng bè.
Hai loại cá bị chết chủ yếu là cá chim và cá bớp (cá tương đối lớn 5-8 kg). Các loại cá khác chết không đáng kể. Sở dĩ chủ yếu hai loại cá này chết là do hai loại cá này chủ yếu sống ở tầng mặt, cần lượng ôxy lớn. Khi nước bị thiếu ôxy hai loại trên khả năng chết cao hơn.
Thêm nữa, khu vực người dân nuôi cá bị chết đợt này mật độ nuôi khá dày. Nó cũng góp phần tác động cộng hưởng dẫn tới thiếu ôxy trong nước. Sông Chà Và là khu vực nước mặn lợ, chỉ cần có một giao động về độ mặn nó cũng bị tác động. Mẫu nước lấy xét nghiệm thì các chỉ số đều nằm ở ngưỡng cho phép, chỉ có Clo cao nhưng không đáng kể.

Người dân mang cá chết ra đường.

Ông Cường trao đổi thêm: “Khi có những nhận định về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết, chúng tôi đã có báo cáo UBND tỉnh. Tỉnh cũng đã có chỉ đạo, giao trách nhiệm cho từng ngành và địa phương, cụ thể ở đây là TP Vũng Tàu khẩn trương xác định về mức độ thiệt hại do tác động của thiên tai. Theo quy định, khi xác định thiệt hại do thiên tai tác động thì tiến hành đề xuất các chính sách hỗ trợ về con giống giúp người dân sớm ổn định sản xuất trở lại; giao cho TP Vũng Tàu xác định các hộ nuôi vay vốn của ngân hàng nào, vay bao nhiêu để từ đó tỉnh đề nghị các ngân hàng hỗ trợ khoanh, giãn nợ cho bà con sớm ổn định đi vào sản xuất trở lại, có điều kiện trả vốn vay.
Tỉnh cũng đã có chỉ đạo giao cho ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương sớm tổ chức di dời ngay các hộ đang nuôi cá tại những khu vực thường xuyên bị thiệt hại, tìm những vị trí nuôi mới môi trường tốt. Chúng tôi cũng sẽ khuyến cáo cho bà con những kỹ thuật nuôi trồng thích ứng với điều kiện khí hậu hiện nay; không thả thêm giống tại khu vực cá nuôi đang bị chết để tránh thiệt hại thêm khi thời tiết đang bất lợi”.
Ông Cường cũng khẳng định hiện nay tỉnh cũng đã có chỉ đạo giao cho Sở TN&MT phối hợp với bà con tăng cường công tác giám sát hoạt động của các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải, giám sát việc xả thải tại cống số 6 để đảm bảo việc nuôi tới đây không bị tác động bởi những nguyên nhân từ việc xả thải.
Tính đến 15 giờ chiều 16-10, tổng cộng có 90 hộ nuôi cá bị thiệt hại. Trong đó có 70 hộ thiệt hại, còn 20 có thiệt hại nhưng thiệt hộ thiệt hại ít. Số tiền thiệt hại ước tính hơn 29 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm