Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP, cho biết trong 120 bộ hồ sơ đã phát hành có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hong Kong, Trung Quốc… Theo kế hoạch, đầu tháng 7-2019, thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển sẽ kết thúc. Sau đó Bộ GTVT sẽ tiến hành tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho tám dự án cao tốc Bắc-Nam.
Được biết trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Cụ thể, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm; năng lực về kinh nghiệm chiếm tỉ trọng 30% và phương pháp triển khai dự án chiếm tỉ trọng 10%.
Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông với tổng mức đầu tư hơn 102.500 tỉ đồng, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. “Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế” - ông Huy cho biết. Quy trình đấu thầu rộng rãi quốc tế trải qua hai bước. Thứ nhất, sơ tuyển quốc tế trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt. Thứ hai, tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình.
Trước một số ý kiến lo ngại việc một số nhà đầu tư nước ngoài từng có “tiền sử” chậm tiến độ, đội vốn, cũng như vấn đề an ninh, quốc phòng, một chuyên gia về đấu thầu quốc tế cho rằng không nên quan ngại mà điều quan trọng nhất là nhà đầu tư trúng thầu phải làm tốt, đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu đề ra. Cũng theo vị chuyên gia này, Luật Đấu thầu đã định hướng việc lựa chọn nhà thầu trên nguyên tắc ưu tiên các nhà thầu trong nước; riêng đối với các dự án PPP thì phải ưu tiên đấu thầu quốc tế để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, trừ các trường hợp đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh.