2 bộ đùn đẩy quản lý xăng: Chờ Thủ tướng quyết

(PLO)- “Việc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đùn đẩy, đá qua đá lại chuyện quản lý xăng dầu là không được” - TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.

Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2022, bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương. Thế nhưng mới đây khi xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, vấn đề quản lý giá, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu lại được Bộ Công Thương đẩy lại về phía Bộ Tài chính.

Bên này đẩy bên kia

Năm 2022 là một năm đầy dị biệt, bất thường của thị trường xăng dầu. Một loạt yếu tố cộng hưởng đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu tại một số địa phương trong một số thời điểm, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc giá xăng dầu trong nước không theo kịp giá thế giới; các chi phí thực tế trong kinh doanh xăng dầu không được tính toán, cập nhật kịp thời vào giá cơ sở khiến doanh nghiệp lỗ. Phần tính toán chi phí này do Bộ Tài chính đảm nhiệm.

Thị trường xăng dầu thời gian qua bất ổn do điều hành, quản lý thiếu thống nhất và kịp thời. Ảnh: NGUYỆT NHI

Khi đó, Bộ Công Thương cho biết đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu nhưng mãi sau đó Bộ Tài chính mới thực hiện điều chỉnh. Còn phía Bộ Tài chính thì cho biết đã gửi văn bản cho các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương để lấy ý kiến cho việc điều chỉnh chi phí xăng dầu nhưng cũng mãi mới nhận được phản hồi.

Và tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2022, bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương. Nay vấn đề quản lý xăng dầu lại được Bộ Công Thương đẩy lại về phía Bộ Tài chính.

Chưa phải là phương án cuối cùng

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 1-2023, Bộ Công Thương cho biết: Sau khi phân tích các ưu, nhược điểm của các phương án, bộ đề xuất chọn phương án giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tính giá điện đơn giản, còn xăng dầu phức tạp

Có ý kiến cho rằng với mặt hàng điện, Bộ Công Thương vẫn là đơn vị tính toán các chi phí và tính giá nên có thể giao mặt hàng xăng dầu cho Bộ Công Thương. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng không phù hợp, vì mặt hàng điện rất khác mặt hàng xăng dầu về các yếu tố cấu thành giá.

Cụ thể, các yếu tố cấu thành giá của mặt hàng điện rất đơn giản, số đơn vị cung ứng điện cũng ít. Trong khi đó, các yếu tố cấu thành mặt hàng xăng dầu khá phức tạp, thường xuyên biến động theo thị trường, do nhiều doanh nghiệp khác nhau cung ứng nên cần có đơn vị đủ chuyên môn nghiệp vụ rà soát và tính toán để bảo đảm tính đúng, chính xác.

Đại diện Bộ Công Thương lý giải việc chọn phương án này có nhược điểm là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập, khách quan trong tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn về cho Bộ Công Thương thì dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu nhưng lại dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy. Hơn nữa, phương án này cũng là để “phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính”.

Giải thích rõ thêm về đề xuất này, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: Nội dung lựa chọn tại dự thảo nghị định và dự thảo tờ trình gửi xin ý kiến chưa phải là phương án lựa chọn cuối cùng của Bộ Công Thương để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

“Sau khi có ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan và đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và đề xuất phương án lựa chọn phù hợp nhất, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - Bộ Công Thương khẳng định.

Hai bộ không nên đùn đẩy

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc điều hành giá xăng dầu vẫn nên là Bộ Công Thương đảm nhiệm. Vì bộ này là cơ quan quyết định về kế hoạch nhập khẩu, buôn bán xăng dầu tại thị trường trong nước. Hơn nữa, hệ thống phân phối xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối, bán lẻ, thuộc lĩnh vực thương mại cũng đều nằm trong quyền điều hành của Bộ Công Thương.

Do vậy, việc Bộ Công Thương đề xuất chuyển việc điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu… về Bộ Tài chính là không hợp lý.

“Trước đây Bộ Tài chính cũng có thời gian quản lý xăng dầu. Lúc đó chúng ta sử dụng ít xăng dầu nhưng vì trong thời chiến nên xăng dầu là nhiên liệu rất quý và quan trọng, được ví như máu nên buộc Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quản lý để quản lý chặt. Bây giờ nền kinh tế đã đi theo thị trường và dần dần cũng phải để mặt hàng xăng dầu đi theo thị trường. Và Bộ Công Thương đang quản lý kinh doanh thương mại nên việc giao cho Bộ Công Thương quản lý toàn diện là hợp lý” - ông Thịnh nêu ý kiến.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng việc hai bộ đùn đẩy, đá qua đá lại cho nhau là không được. Cũng theo ông Phong, việc quản lý xăng dầu hiện nay vẫn phải dùng cơ chế liên bộ.

“Vì điều hành sản xuất, lưu thông, phân phối là Bộ Công Thương nhưng việc điều hành giá cả là do Bộ Tài chính đảm nhiệm. Trừ trường hợp Chính phủ thay đổi cơ chế cho tự do kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường thì không cần giao cho Bộ Tài chính nữa, chỉ cần cạnh tranh. Còn giờ vẫn chưa cạnh tranh thì vẫn cần liên bộ cùng tham gia quản lý” - ông Phong đề xuất.

Bộ Tài chính lên tiếng

Liên quan đến việc Bộ Công Thương đề xuất giao cho Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay: Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 10-2022, khi tham gia làm rõ một số vấn đề về công tác điều hành thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương.

Theo ông Chi, công tác quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính cùng tham gia. Bộ đã chủ động, trách nhiệm để tham gia việc điều hành giá có hiệu quả.

Về việc giao đầu mối điều hành giá xăng dầu cho cơ quan nào, Thứ trưởng Chi cho biết: Quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi nghị định.

“Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình quản lý, điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao” - Thứ trưởng Chi cho hay. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu. C.LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới