Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến có rất nhiều điểm mới.
Một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra lần này là giao cho một bộ quản lý thống nhất mặt hàng xăng dầu, mà hiện được nhiều bộ, ngành cùng quản lý.
Thực tế lúc thị trường xăng dầu bình lặng, không có gì bất thường thì cấu trúc nhiều cơ quan cùng quản lý không phát sinh vấn đề. Nhưng khi thị trường bất ổn như giá xăng dầu tăng liên tục, các cây xăng đóng cửa vì càng bán càng lỗ, người dân phải xếp hàng cả giờ đồng hồ mới có thể đổ được xăng... thì việc nhiều ban ngành cùng quản lý dẫn đến điều hành hết sức lúng túng. Nguyên do không có sự phối hợp thống nhất, không ai chịu trách nhiệm chính.
Vì vậy, việc quy về một đầu mối, bộ quản lý là cần thiết. Nhưng việc tập trung quản lý xăng dầu về một đầu mối dù là Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính vẫn chưa đủ. Bởi việc một bộ, liên bộ hay giao về cho ai quản lý giá cũng không thể tính toán thay được thị trường.
Vấn đề mấu chốt là cần đổi mới toàn diện về cơ chế điều hành, quản lý thị trường xăng dầu.
Theo đó, việc quản lý xăng dầu đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, vì cơ chế áp giá phí định mức như hiện nay rất lạc hậu và không theo kịp thực tế chi phí phát sinh của doanh nghiệp. Nói cách khác, việc tính không đủ và không đúng chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu là nguyên nhân chính gây bất ổn thị trường trong thời gian vừa qua.
Do đó, Nhà nước cần xem xét sửa công thức tính giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà bán lẻ. Đặc biệt, cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra một khung giá nhập cộng với thuế, phí theo quy định làm giá định hướng. Phần giá thị trường nên để doanh nghiệp tự quyết định theo quy luật cung cầu.
Như một số chuyên gia từng nhấn mạnh: Cơ quan chức năng nên từ bỏ tư duy mệnh lệnh hành chính, cơ chế xin - cho trong quản lý xăng dầu. Nhà nước chỉ nên điều hành thị trường thông qua các công cụ về thuế, phí; giám sát chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty xăng dầu. Nhà nước không nên và không thể làm thay nhà kinh doanh.
Đây là vấn đề then chốt để thị trường xăng dầu Việt Nam phát triển lành mạnh.