VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính về khiếu kiện thông báo thuế đối với vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông TVH và người bị kiện là Chi cục Thuế TP X.
Theo đó, năm 1984, ông H. được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh D cấp một lô đất tại phường T, TP X, tỉnh D theo giấy cho sử dụng đất số 837 diện tích 400 m2 nhưng diện tích thực tế là 681,3 m2 (nay thuộc thửa đất số 110, tờ bản đồ số 79).
Tháng 2-2017, ông nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với diện tích đất nói trên. Tháng 3-2017, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP X có công văn đề nghị UBND phường T xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng.
Ảnh minh họa.
Sau đó, ông nhận được Thông báo số 8498 của Chi cục Thuế TP X có nội dung hộ gia đình ông phải nộp 50% tiền sử dụng đất (TSDĐ) đối với 300 m2 đất ở là 1,65 tỉ đồng và tiền nộp phí trước bạ là hơn 16,6 triệu đồng.
Ngày 9-8-2017, UBND TP X cấp GCNQSDĐ cho thửa đất số 110 đứng tên hộ ông H. và bà NTN, đồng thời có ghi nợ nghĩa vụ tài chính. Ông cho rằng việc Chi cục Thuế xác định mức nộp 50% TSDĐ là không đúng nên đã khiếu nại. Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP X đã ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại của ông.
Do không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại trên, ông khởi kiện yêu cầu tòa án hủy Thông báo số 8498 của Chi cục Thuế.
Xử sơ thẩm, TAND TP X bác yêu cầu khởi kiện của ông H.
TAND tỉnh D xử phúc thẩm, tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện của ông H., hủy Thông báo số 8498 của Chi cục Thuế TP X.
Ngày 12-4-2019, Chi nhánh VPĐKĐĐ TP X có đơn đề nghị VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng sau đó kháng nghị, đề nghị tòa cùng cấp xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại do chưa xem xét, đánh giá và thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh trong vụ án.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên chấp nhận kháng nghị.
Qua đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy một số vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Cụ thể, theo quy định, việc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh D cấp đất cho ông H. theo giấy cho sử dụng đất là không đúng thẩm quyền. Hộ gia đình ông H. được cấp giấy sử dụng đất năm 1984. Đến năm 1992, ông đã làm nhà ở ổn định.
Theo quy định, trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993 thì thu 40% TSDĐ theo giá đất quy định tại bảng giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận QSDĐ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cho rằng hộ ông H. làm nhà từ năm 1992 nhưng không sử dụng, đến năm 2003 mới làm nhà cấp 4 để ở, sử dụng ổn định đến nay.
Vì vậy, hộ ông H. thuộc trường hợp sử dụng đất ổn định từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004, thu TSDĐ bằng 50% TSDĐ đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất theo giá đất quy định tại bảng giá đất. Điều này là chưa chính xác.
Ngược lại, tòa phúc thẩm nhận định giấy cho sử dụng đất mà Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh D cấp cho hộ ông H. là một trong những giấy tờ thuộc quy định tại điểm g khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
Theo quy định này, hộ ông H. thuộc trường hợp không phải nộp TSDĐ để từ đó sửa án sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện của ông H. là không đúng pháp luật.
Như vậy, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa thu thập, đánh giá chứng cứ một cách đầy đủ, toàn diện nhưng lại có phán quyết trái ngược nhau về cùng một nội dung là chưa có sự thống nhất về nhận thức trong áp dụng pháp luật về đất đai.