2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm sẽ nộp tiền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong buổi họp báo kết quả kinh tế - xã hội quý I-2022 và kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X diễn ra ngày 7-4 tại TP.HCM, thông tin mới nhất về hai lô đất Thủ Thiêm đấu giá thành công được đưa ra.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM: “Sáng 7-4, Cục Thuế TP đã nhận được hai văn bản của hai doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đề nghị cho phân kỳ nộp tiền sử dụng đất (SDĐ) từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, chia làm sáu đợt nộp”.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trung tâm TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Doanh nghiệp gặp khó, muốn phân kỳ trả tiền đất

Theo công văn của Công ty CP Sheen Mega và Công ty CP Dream Republic, thời gian qua DN gặp nhiều khó khăn chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc chậm nộp tiền trúng đấu giá và các khoản phí liên quan. Với mong muốn tiếp tục thực hiện dự án trên các lô đất trúng đấu giá, hai DN kiến nghị các cơ quan chức năng của TP phương án được thanh toán chậm phần nghĩa vụ tài chính của mình.

Cụ thể, hai công ty đề xuất phương án nộp tiền SDĐ trúng đấu giá và các khoản phí cộng với tiền lãi chậm nộp tính đến ngày thanh toán thành sáu đợt, đợt cuối là đến tháng 9-2022. Tháng 4, hai công ty sẽ nộp 15% giá trị tiền SDĐ, bao gồm tiền đặt cọc trước, tiền lệ phí trước bạ (nếu có) và tiền lãi chậm nộp. Các tháng 5, 6, 7, 8, mỗi tháng hai công ty sẽ nộp 17% giá trị tiền SDĐ và tiền lãi chậm nộp tính đến ngày thanh toán. Trong tháng 9, DN sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, thông tin hiện nay vẫn đang trong thời gian nộp nghĩa vụ tài chính đối với hai DN trên, mọi vấn đề sẽ giải quyết theo hợp đồng mua bán tài sản, Luật Đấu giá tài sản và luật dân sự.

Nói về hướng giải quyết kiến nghị của DN, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cho biết các lý do về khó khăn hai DN nêu trong văn bản không thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

“Do đó Cục Thuế TP vẫn sẽ tiếp tục tính tiền chậm nộp, cũng như ban hành các quyết định cưỡng chế thuế chậm nộp theo quy định” - bà Hạnh nói.

Giải pháp ổn định thị trường bất động sản

Tại buổi họp báo, câu hỏi được đặt ra cho Sở Xây dựng TP là giải pháp gì để ổn định thị trường bất động sản trong thời gian tới, do hiện nay nguồn lực đất đai đang có dấu hiệu bị làm giá và gây nhiễu loạn. Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết qua quá trình rà soát, sở đã triển khai nhiều giải pháp như công khai các dự án đủ điều kiện hay không đủ điều kiện mở bán; việc cấp chứng nhận đầu tư, chứng nhận chủ đầu tư…

Đồng thời sở đã tổng hợp, báo cáo TP các chương trình phát triển nhà ở cụ thể cho năm năm và cho hằng năm kèm các số liệu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Chương trình phát triển nhà ở quốc gia, TP.HCM đã duyệt kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025. Gần đây nhất, sở đã trình UBND TP giải pháp phát triển thị trường bất động sản, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Công an TP, Sở KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Cục Thuế TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Thời gian tới, TP sẽ có chỉ thị cụ thể các công việc, kế hoạch, tiến độ và kèm theo kiểm tra để đảm bảo thị trường bất động sản hoạt động theo đúng cung - cầu và giá trị vật chất.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở, giám đốc Sở TN&MT cho biết UBND TP đã có chỉ đạo Sở Xây dựng kế hoạch cụ thể, không để bị động trong việc này.

TP dự kiến giai đoạn 2021-2022, khoảng 37.000-38.000 căn nhà, trong đó có nhà chung cư và thấp tầng sẽ được cấp giấy chứng nhận. Bình quân mỗi năm cấp giấy chứng nhận cho 17.000-18.000 căn nhà. Từ đầu năm đến nay, sở đã cấp trên 3.500 giấy chứng nhận.

Về hồ sơ thẩm định giá đất, từ đầu năm có 163 hồ sơ nộp tại Sở TN&MT để làm công tác thẩm định giá đất, kể cả dự án có điều chỉnh quy hoạch.

Kết quả giải quyết đến thời điểm này là có 16 hồ sơ hội đồng thông qua, 73 hồ sơ có nộp nhưng chưa đủ điều kiện, 44 hồ sơ đang đấu thầu lần đầu chọn tư vấn, 25 hồ sơ đấu thầu lần đầu nhưng chưa chọn được tư vấn, phải đấu thầu lần hai.

“Tất cả đều có quy trình giải quyết và công khai, không có nội dung gì là ách tắc, hồ sơ chưa đảm bảo sẽ được tư vấn trả hồ sơ làm lại để hoàn chỉnh” - ông Thắng khẳng định.•

Trong buổi đấu giá ngày 10-12-2021, Công ty CP Dream Republic đã trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446 m2). DN này phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền SDĐ và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.

Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1 m2) và phải đóng 4.000 tỉ đồng tiền SDĐ, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm