2 dự luật về giao thông của Bộ Công an và GTVT chồng chéo

Bộ GTVT và Bộ Công an được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ (luật mới). Tuy nhiên, hai dự luật đã bộc lộ sự chồng chéo, trùng lặp.

Một vấn đề hai quy định khác nhau

So sánh dự luật GTĐB sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm TTATGT do Bộ Công an soạn thảo dễ nhận thấy rất nhiều điểm tương đồng, chồng chéo nhau từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đến các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông...

Do xây dựng sau nên lướt qua dự luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có nhiều quy định “bê” nguyên Luật GTĐB năm 2008. Trong đó, các quy định bổ sung thì lại giống với dự luật GTĐB sửa đổi. Ví dụ như quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Trong đó, quy định về khoảng cách tối thiểu (điều kiện thời tiết khô ráo) đối với các xe thì mỗi dự luật đưa ra một kiểu.

Dự luật GTĐB sửa đổi quy định: Tốc độ lưu hành từ 60 km/giờ đến 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 80 m; tốc độ lưu hành từ 80 km/giờ đến 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 m; tốc độ lưu hành từ 100 km/giờ đến 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 120 m.

Trong khi đó, dự luật Bảo đảm TTATGT đường bộ lại quy định tốc độ lưu hành trên 60 km/giờ đến 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 m; tốc độ lưu hành trên 80 km/giờ đến 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 m. Tốc độ lưu hành trên 100 km/giờ đến 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 m.

Về quy định sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT vẫn quy định ngành giao thông chịu trách nhiệm và thực hiện việc quản lý, đào tạo sát hạch lái xe. Tuy nhiên, Bộ Công an muốn chuyển quyền này về Bộ Công an và bổ sung vào dự luật. Cụ thể, công an sẽ: “Quản lý từ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đến việc chấp hành pháp luật của tài xế khi điều khiển phương tiện trên đường, quy định trừ điểm giấy phép lái xe…”.

Như vậy, một quy định nhưng hai bộ đều muốn thực hiện.

Do xây dựng sau, nên lướt qua dự luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều quy định “bê” nguyên Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chờ Chính phủ quyết định

Liên quan đến vấn đề trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam từng dự báo nếu Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ ra đời sẽ có sự chồng chéo, khó khăn trong việc thực thi. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ cho rằng việc đề xuất xây dựng luật mới với nội dung chỉ gồm quy tắc giao thông, phương tiện và người lái sẽ không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cạnh đó, ngành đường bộ nhận định sẽ không giải quyết được vấn đề TTATGT đường bộ như tên gọi của luật. “Nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đồng ý xây dựng dự luật này” - văn bản Tổng cục Đường bộ nêu rõ.

Việc xây dựng hai luật trên như thế nào Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ để tránh trùng lặp, chồng chéo gây khó khăn trong việc thực thi…

Quy trình hiện nay rất rõ ràng, ngành giao thông vận tải quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái. Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế. Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. Như vậy là không chồng chéo, mỗi cơ quan đảm nhiệm một khâu và có sự giám sát lẫn nhau sẽ minh bạch hơn. Nếu về Bộ Công an vừa thực hiện vừa giám sát có vẻ không khách quan cho lắm…

Ông Nguyễn Văn QuyềnChủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam 

Trao đổi với PV, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cho biết dự thảo luật GTĐB hiện hành đang xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 12, trên cơ sở giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB 2008. Cụ thể, luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB.

Còn Luật Bảo đảmTTATGT do Bộ Công an đề xuất xây dựng, trên cơ sở tách từ Luật GTĐB năm 2008. Chính vì vậy mới xảy ra nhiều quy định trùng lặp, chồng chéo và chưa được thống nhất giữa các bên. “Hiện vấn đề này đang được Chính phủ xem xét và chưa có quyết định…” - bà Nga cho hay.

Còn theo đại diện Cục CSGT, vấn đề phạm vi điều chỉnh của hai dự thảo luật sẽ được hai bộ Công an và GTVT bàn bạc, tính toán và Chính phủ quyết định.

Vừa rồi, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có kết luận, trong đó khẳng định sự đồng ý về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm TTATGT. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần cân nhắc phạm vi và mức độ điều chỉnh của dự án luật này đối với các vấn đề về bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong nội dung điều chỉnh của dự án Luật GTĐB...

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Luật GTĐB có thể cân nhắc quy định một số vấn đề về bảo đảm TTATGT (trên cơ sở Nghị định 100/2019). Và khi xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT sẽ kế thừa nội dung này của Luật GTĐB và bổ sung thêm các chính sách, nội dung cần thiết phục vụ yêu cầu bảo đảm TTATGT đường bộ phù hợp với chức năng, thẩm quyền của Bộ Công an.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT...

Nếu tách Luật Giao thông đường bộ ra làm hai luật thì phải rà soát

Trong kết luận mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44, đơn vị thống nhất bổ sung dự án Luật GTĐB sửa đổi vào chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11, nếu phạm vi điều chỉnh của luật vẫn giữ như Chính phủ đề nghị.

Trường hợp Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ thì cần rà soát lại cả hai dự luật về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các chính sách lớn của từng dự án để đảm bảo không mâu thuẫn, chồng chéo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về cả hai dự luật này cùng một kỳ họp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm