2 lần bị truy nã, tòa vẫn xử án treo!

TAND TP Nha Trang, Khánh Hòa vừa tuyên phạt Võ Duy Cường (23 tuổi, ngụ phường Phước Hải, TP Nha Trang) ba năm tù nhưng được hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích, đồng thời HĐXX công bố quyết định trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Liền sau đó gia đình người bị hại bức xúc, phản đối khiến phòng xử án náo loạn…

Gây án rồi bỏ trốn

Võ Duy Cường là đồng phạm trong vụ án cố ý gây thương tích có nhiều đồng phạm, từng được TAND TP Nha Trang xử sơ thẩm. Riêng Cường bỏ trốn ngay sau khi gây án.

Theo hồ sơ, chiều 17-12-2013, Lê Minh Toàn đến quán bi da ở xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang để đòi 4 triệu đồng mà Minh nợ Toàn. Do không có tiền trả, Minh bị Toàn đuổi đánh. Biết chuyện, Nguyễn Thị Thanh (46 tuổi), Nguyễn Thị Thu (39 tuổi, chị và em gái Minh, cùng ngụ xã Vĩnh Lương) gọi Phan Hoài Việt (25 tuổi, ngụ phường Xương Huân, TP Nha Trang, con nuôi Thanh) đến bàn chuyện trả thù cho Minh. Khi gặp, Thanh và Thu đặt vấn đề nhờ Việt tìm người chém Toàn và trả công 20 triệu đồng.

Sáng 18-12-2013, Việt mang một bao đựng sáu cây rựa đã chuẩn bị từ trước chở ra xã Vĩnh Lương cất giấu. Tối cùng ngày, Cường cùng Thanh, Thu, Việt và năm người nữa dùng rựa chém anh Toàn, gây thương tích 32%.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11-9-2015, TAND TP Nha Trang phạt tám bị cáo đều tù giam với mức án cao nhất bảy năm sáu tháng tù, thấp nhất năm năm tù (riêng Cường bỏ trốn). Xử phúc thẩm ngày 15-1-2016, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.

Bị cáo Võ Duy Cường bị hai lần truy nã nhưng vẫn được cho hưởng án treo. Ảnh: LT

Truy nã, bắt được thì… cho tại ngoại

Trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm đều xác định Võ Duy Cường cùng tham gia thực hiện tội phạm (đã bị khởi tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS, khung hình phạt 7-15 năm tù). Tuy nhiên, CQĐT đang tiến hành truy nã, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Đến ngày 25-6-2016, Cường ra đầu thú tại Công an TP Nha Trang. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can đối với Cường. Trong giấy cam đoan, Cường thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Công an TP Nha Trang cho Cường được tại ngoại.

Đầu tháng 5-2017, TAND TP Nha Trang gửi giấy triệu tập Cường đến nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng bị cáo này không đến. Thư ký tòa án nhiều lần đi tìm Cường nhưng không có kết quả.

Đến ngày 23-5, TAND TP Nha Trang có công văn yêu cầu công an cùng cấp truy nã đối với bị cáo Cường. Ngày 31-5, Công an TP Nha Trang ra quyết định truy nã Cường theo yêu cầu của tòa án.

Ngày 8-6, Cường đến Công an TP Nha Trang cho rằng đã thay đổi địa chỉ đăng ký thường trú nhưng không thông báo cho cơ quan công an biết. Lúc này Công an TP Nha Trang bắt tạm giam Cường để đảm bảo việc xét xử.

Viện đề nghị án treo, tòa chấp thuận

Trước khi đưa vụ án ra xét xử, TAND TP Nha Trang đã có ít nhất hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, VKSND cùng cấp vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố Cường theo khoản 3 Điều 104 BLHS với kết luận hành vi phạm tội thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ. Tuy vậy, tại phiên tòa, đại diện VKS rút truy tố tình tiết có tính chất côn đồ, đồng thời đề nghị cho bị cáo hưởng án treo.

Những trường hợp không được hưởng án treo

a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của BLHS bao gồm người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

b) Bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội;

c) Trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác;

d) Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã.

(Trích Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng
Thẩm phán TAND Tối cao)

HĐXX TAND TP Nha Trang cho rằng trong vụ án này, Cường tham gia với vai trò gián tiếp, không tham gia bàn bạc, không trực tiếp chém người bị hại. Ngoài ra, Cường đã khai nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng… Từ đó bản án sơ thẩm áp dụng Điều 47 BLHS xử dưới khung hình phạt, đồng thời áp dụng thêm Điều 60 BLHS để tuyên xử bị cáo Cường ba năm tù cho hưởng án treo. Đồng thời HĐXX ra quyết định trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

Phán quyết của TAND TP Nha Trang khiến gia đình người bị hại phẫn nộ, phản ứng gay gắt. Theo luật sư bảo vệ cho người bị hại, việc tòa cho hưởng án treo cả đối tượng phạm tội có tính chất côn đồ, gây án rồi bỏ trốn, gây hậu quả nghiêm trọng là bất thường. Điều này vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6-11-2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo.

Người bị hại cho biết đang làm thủ tục kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên.

Vai trò chính được treo, đồng phạm khác thì tù giam

Tháng 7-2017, TAND TP Nha Trang, Khánh Hòa cũng đã cho một bị cáo được hưởng án treo dù bị cáo này từng bỏ trốn. Đó là bị cáo Phan Huy Thạch, được tòa xử hai năm sáu tháng tù treo về tội cố ý gây thương tích. Trước đó, do Thạch bỏ trốn nên ngày 14-3-2015 CQĐT Công an TP Nha Trang ra lệnh truy nã.

Theo VKSND TP Nha Trang, trong vụ án này, Thạch có hành vi nguy hiểm, thể hiện tính côn đồ hung hãn, dùng vỏ chai bia, ly thủy tinh đâm thẳng từ trên xuống mặt chị T.; dùng micro đánh, ném vào đầu chị T. gây thương tích 24%. Giám định pháp y xác định năm vết sẹo vùng mặt ảnh hưởng thẩm mỹ, tỉ lệ thương tật 20%; năm vết sẹo vùng đầu, môi, sẹo liền, tỉ lệ thương tật 5%; tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 24%. VKSND TP Nha Trang truy tố Thạch theo khoản 2 Điều 104 BLHS, có mức án từ hai đến bảy năm tù.

Xử sơ thẩm vụ án này vào tháng 8-2016 (khi Thạch đang bỏ trốn), HĐXX TAND TP Nha Trang nhận định: Các bị cáo phạm tội có tính đồng phạm giản đơn, mang tính bột phát, không có dự mưu từ trước, do thiếu kiềm chế nên cùng tham gia hành hung người bị hại. Trong đó, thương tích nặng nhất làm cơ sở cho việc định khung tăng nặng ở khoản 2 Điều 104 BLHS là của chị T. nhưng vai trò chính gây thương tích đối với chị T. thuộc về Phan Huy Thạch. Trừ Thạch đang bỏ trốn, tòa phạt tất cả bị cáo đều tù giam với mức án từ một năm đến một năm sáu tháng (tương đương với thời gian bị tạm giam).

Ấy thế nhưng tại phiên xử vào tháng 7-2017, TAND TP Nha Trang lại cho bị cáo Thạch - người có vai trò chính gây thương tích cho nạn nhân, sau đó bỏ trốn - được hưởng án treo!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm