2 nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung

(PLO)- Các nữ tài xế trên đều cho rằng sau 22 giờ thì lực lượng chức năng không còn làm việc nên lái xe về nhà trong tình trạng say xỉn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục CSGT, Bộ Công an thông tin, trong 3 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý gần 1.800 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền gần 10 tỉ đồng, tạm giữ 1.738 phương tiện.

Đáng chú ý, trong số tài xế bị xử lý vi phạm, có cả hai tài xế là nữ giới, có mức vi phạm nồng độ cồn kịch khung.

Cụ thể, rạng sáng 13-3, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn với chị NTH (trú tại Quảng Ninh) khi người phụ nữ này đang điều khiển ôtô.

Thời điểm kiểm tra, mức cồn đo được của chị H là 0,469mg/lít khí thở, vượt mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn.

Với lỗi vi phạm này, chị H bị xử phạt 35 triệu đồng, tạm giữ ôtô 10 ngày làm việc và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.

Trường hợp khác, một nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao là chị NTTL (ở Quảng Ninh) bị lực lượng chức năng kiểm tra đêm 19-3.

CSGT đã đo được trong hơi thở của chị L có nồng độ cồn 0,535mg/1 lít khí thở. Đây cũng là mức cao nhất vi phạm về nồng độ cồn.

Hình ảnh một trong hai tài xế nữ bị lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh CACC

Hình ảnh một trong hai tài xế nữ bị lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh CACC

Theo Cảnh sát, hai nữ tài xế trên đều cho rằng, với khung giờ khuya từ 22 giờ đêm trở đi, lực lượng chức năng không còn làm việc nên sử dụng rượu, bia và điều khiển ôtô.

Cục CSGT cũng thông tin, việc tăng cao mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn cả về hình phạt tiền và hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền “đã uống rượu bia thì không lái xe” đã có tác dụng tích cực, thay đổi nhận thức người tham gia giao thông, số lượng trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đã giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tài xế chấp hành mang tính chất chống đối. Nếu lực lượng cảnh sát giao thông làm việc liên tục, gắt gao thì họ chấp hành nghiêm túc. Song họ sẽ vi phạm khi không có cảnh sát giao thông hoặc vào các khung giờ đêm muộn, sáng sớm… Hoặc thông tin cho nhau thời gian, địa điểm lực lượng Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra nồng độ cồn để điều khiển phương tiện đi đường khác, tránh bị kiểm tra.

Để đảm bảo khép kín địa bàn và thời gian tuần tra, kiểm soát cũng như tăng cường công tác phát hiện, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT, Công an tỉnh triển khai linh hoạt, không có khung giờ thường xuyên, địa điểm thường xuyên xử lý nồng độ cồn.

Mặt khác, với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, quan điểm chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo Công an tỉnh là xử lý triệt để, không có vùng cấm, nghiêm cấm lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sĩ can thiệp, xin cho bỏ qua vi phạm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm