Chiều 6-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Cuộc làm việc liên quan đến việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phương án sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hai viện hàn lâm.
Tại đây, hai Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo hai viện hàn lâm khẩn trương hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW, Nghị quyết số 19/NQ-TW. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, yếu kém, hạn chế căn bản, nguyên nhân, giải pháp; xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức khoa học, phù hợp với thực tiễn, cũng như mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới.
Phương án sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức của hai viện hàn lâm phải thực sự đổi mới về tư duy, phương pháp quản lý, quản trị hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo đó, nguồn lực Nhà nước tập trung đầu tư bài bản, đầy đủ về hạ tầng, cán bộ nghiên cứu, trang thiết bị, hợp tác quốc tế cho những chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, mang tính chất đột phá về công nghệ lõi, công nghệ mới, mũi nhọn… cũng như lĩnh vực khoa học xã hội phục vụ phát triển.
Hai viện hàn lâm cần hướng tới hình thành những trung tâm, cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quốc gia có khả năng kết nối, tập hợp, điều phối các nhà khoa học đa ngành, đa lĩnh vực ở trong nước, nước ngoài để thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, công nghệ mới, mũi nhọn.
Cơ cấu tổ chức, hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cần được đổi mới theo hướng đẩy mạnh tự chủ, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu doanh nghiệp, tư nhân.
Công tác quản lý ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ đổi mới theo mô hình quỹ đầu tư phát triển với tiêu chí lựa chọn, đánh giá, quản lý đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu một cách linh hoạt, dựa vào mục tiêu thay vì quy trình, có tính đến yếu tố rủi ro.
Cạnh đó, hai viện hàn lâm cần đề xuất một số cơ chế, chính sách đủ mạnh, nổi trội về tài chính, đầu tư, cơ sở vật chất, con người; chú trọng công tác tuyên truyền, chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức.
Yêu cầu được đặt ra là không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động; bảo đảm bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ, đi vào hoạt động ngay, kế thừa, ổn định, không để khoảng trống.
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành, hiện có hai phương án sắp xếp đối với hai viện hàn lâm.
Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam,
Phương án 2: Duy trì hai viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.