Từ thế kỷ 16, phố cổ Hội An là thương cảng sầm uất, nơi giao thoa giữa ba nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc. Còn Mỹ Sơn, đây là mảnh đất linh thiêng với nhiều đền tháp được xây dựng từ thế kỷ 7-13 do các vua Chăm để lại. Năm 1999, những di tích này được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Phần thưởng xứng đáng từ ý thức giữ gìn
Từ nhiều năm trước, khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, dân Hội An đã bảo tồn di sản của những thế hệ trước để lại. Để bây giờ di sản giúp họ “sống tốt”.
Cả cuộc đời gắn bó, chứng kiến những đổi thay của Hội An, ông Phan Quốc Hoành (86 tuổi, phường Minh An, TP Hội An) cho biết ngày trước Hội An không có xí nghiệp, công trường. Dân chủ yếu bám vào biển làm ăn. Khách du lịch lưa thưa, không có dịch vụ.
“Ngày xưa người ta còn nói Hội An là thị xã dưỡng già. Từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì Hội An ngày càng tấp nập, xô bồ hẳn lên. Cũng từ đó dân Hội An mới bắt đầu làm du lịch, làm giàu cho chính mình” - ông Hoành nói.
Nhắc đến Hội An là nói đến thương cảng phồn thịnh ở thế kỷ 16. Một quần thể di tích kiến trúc nhà cổ đồ sộ có tuổi đời 300-400 năm tuổi.
“Khi chưa được công nhận là di sản, dân chúng tôi đã ý thức được việc bảo vệ, giữ gìn tài sản vô giá của ông cha để lại. Đến khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, tôi và dân Hội An thật sự rất vui mừng, sung sướng và càng có trách nhiệm giữ gìn nhiều hơn” - ông Hoành nói.
Mỗi năm Hội An đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú. Để có được điều này, bên cạnh việc bảo vệ các công trình kiến trúc cổ, chính quyền cùng người dân Hội An còn tập trung phát triển những nét văn hóa đặc trưng. Đặc biệt là xây dựng phố cổ Hội An gắn với văn hóa phi vật thể, cách ứng xử của người dân với du khách.
Anh Michel (du khách người Úc) nhận xét Hội An là nơi kết nối giữa các nền văn hóa, tôn giáo và nhiều thứ. Kiến trúc cổ của Hội An toát lên vẻ đẹp rất ít nơi nào trên thế giới có được.
“Cầu, sông, phố ở Hội An rất tuyệt vời. Mọi người rất thân thiện. Cách làm du lịch ở đây cũng rất năng động. Tôi nghĩ mình sẽ trở lại đây một lần nữa và dành nhiều thời gian hơn để thưởng thức vẻ đẹp ở TP này” - anh Michel chia sẻ.
Phố cổ Hội An xứng đáng là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: ANH CẢNH
Hành trình đến di sản văn hóa thế giới
Khi còn tên gọi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã xác định tập trung bảo tồn hai di sản Hội An, Mỹ Sơn. Năm 1997, Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, hai di sản này được UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp chỉ đạo công tác bảo tồn. Bà Hồ Thị Thanh Lâm lúc đó là phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp đảm nhận công việc này.
Bà Lâm cho hay ngay khi nhận nhiệm vụ, tỉnh Quảng Nam trực tiếp chỉ đạo ban quản lý hai di tích này tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn. Đối với Hội An, địa phương thường xuyên gánh chịu thiên tai, lũ lụt. Do đó, quy chế bảo vệ thực hiện rất nghiêm ngặt. Bên cạnh việc tuyên truyền người dân giữ gìn, bảo vệ nhà cổ. Tỉnh xin kinh phí của chương trình bảo vệ mục tiêu quốc gia trung ương để trùng tu, bảo tồn các ngôi nhà cổ tránh xuống cấp và không thay đổi hiện trạng.
Đối với Mỹ Sơn, tỉnh chủ trương phát quang di tích, rà phá bom mìn làm đường đi từ nhiều năm trước đó. Chính quyền đã tuyên truyền người dân bảo vệ, hiểu giá trị của di tích. Ngoài ra, Mỹ Sơn được đón kiến trúc sư Kaximierz Kwiatkowski (tên thường gọi là Kazik) đến làm việc cũng là điều may mắn.
20 năm đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới là 20 năm người dân đồng hành cùng chính quyền chung tay gìn giữ, bảo vệ di sản. Riêng đối với người dân Hội An, công sức giữ gìn, bảo vệ không chỉ gói gọn trong 20 năm. |
“Đặc biệt, Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới có công rất lớn của kiến trúc sư người Ba Lan Kazik. Ông là người trực tiếp thực lên phương án trùng tu, hồi sinh Mỹ Sơn. Chính những hình ảnh về cách trùng tu, hồ sơ đánh giá về giá trị của Mỹ Sơn do ông lưu giữ đã giúp rất nhiều trong việc trình UNESCO công nhận Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới” - bà Lâm chia sẻ.
Bà Lâm là người đại diện cho Quảng Nam cùng ba người khác trong đoàn Việt Nam dự hội nghị lần thứ 23 do Ủy ban Di sản thế giới tổ chức. Cuối tháng 11-1999, cả đoàn lên máy bay sang Pháp rồi sang Morocco.
Trong trí nhớ của bà Lâm, tại hội nghị trù bị, hồ sơ của Hội An được chấp nhận. Còn với Mỹ Sơn, trưởng đoàn Hungary có ý kiến đề nghị phải bổ sung thêm hồ sơ về sự liên quan từ núi Ngọc Linh - Mỹ Sơn - Cửa Đại (TP Hội An) trên trục dọc sông Thu Bồn.
“Chỉ còn vài ngày nữa là hội nghị chính thức, trưởng đoàn mời các thành viên của Việt Nam ngồi lại làm việc với đại diện Hungary và đại diện UNESCO. Trải qua ba buổi tối làm việc, sáng 1-12 trưởng đoàn Hungary rút ý kiến và ủng hộ. Lúc đó chúng tôi mới thở phào về hai di sản gần như đã được công nhận” - bà Lâm nhớ lại.
Sáng 4-12-1999, 100% biểu quyết công nhận cả Hội An, Mỹ Sơn là hai di sản văn hóa thế giới, từng thành viên các đoàn đến chúc mừng Việt Nam.
Lần đầu tiên Việt Nam có hai di sản văn hóa thế giới được công nhận trong cùng một hội nghị.
Ý thức của người dân rất cao Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hội An, cho biết 20 năm Hội An được giao nhiệm vụ quản lý di sản, TP đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, bảo tồn. Song song với việc bảo tồn quần thể kiến trúc cổ, Hội An còn chú trọng vào phát huy, bảo tồn di sản phi vật thể để tạo nên cả “phần xác” và “phần hồn” cho phố cổ. Để làm được điều này, vai trò của người dân là rất quan trọng. “Ý thức của người dân trong việc bảo tồn rất cao. Người dân luôn đồng thuận, hưởng ứng tích cực những chủ trương, chính sách của TP” - ông Sơn nhấn mạnh. |