20 năm ho ra máu, mủ vì mảnh xương heo to bị bỏ quên trong phổi

(PLO)- Kể từ khi bị hóc xương heo, bệnh nhân ho ra máu và mủ kéo dài đến nay đã 20 năm mà không tìm ra nguyên nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: 20 năm ho ra máu, mủ vì mảnh xương heo to bị bỏ quên trong phổi

ThS-BS Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết vừa gắp thành công một dị vật bỏ quên là một mảnh xương heo nằm 20 năm trong phổi bệnh nhân.

Mảnh xương heo nằm trong phổi bệnh nhân đã 20 năm. Ảnh: BVCC

Mảnh xương heo nằm trong phổi bệnh nhân đã 20 năm. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân là nam (50 tuổi, quê Kiên Giang) kể: Cách đây 20 năm bị sặc một mảnh xương vào đường thở, nhưng khi đi khám ở tuyến y tế cơ sở thì chụp X-quang không thấy dị vật.

Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân về bị ho ra máu, khạc đàm mủ kéo dài. Dù đi nhiều cơ sở y tế và chụp X-quang phổi nhưng không nơi nào thấy được mảnh xương.

Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh kháng viêm kéo dài dẫn đến tình trạng viêm phổi hậu tắc nghẽn nên đến khám ở một cơ sở y tế lớn ở TP.HCM. Tại đây, kết quả chụp CT cho thấy có mảnh dị vật trong phổi, nhưng nội soi gắp 2 lần không thành công nên được hướng dẫn sang BV Chơ Rẫy hỗ trợ gắp dị vật ra.

Trực tiếp gắp dị vật ra, BS Vân Thanh mô tả mảnh xương nằm 20 năm trong phổi nên xung quanh mọc rất nhiều mô hạt, mảnh xương sắc nhọn cắm vào thành phế quản sâu. Do vị trí nằm khuất sau bóng tim nên các kết quả chụp X-quang không thấy là điều dễ hiểu.

Kết quả chụp CT cho thấy mảnh xương nằm trong phổi. Ảnh: BVCC

Kết quả chụp CT cho thấy mảnh xương nằm trong phổi. Ảnh: BVCC

Các BS đã cẩn thận xem xét mảnh xương có bị cắm vào động mạch lớn bằng cách cho chụp CT có cản quang và thấy may mắn là chưa xâm lấn mạch máu lớn. Do đó, BS Vân Thanh đã quyết định đưa dụng cụ vào kéo mảnh xương ra.

“Lúc đầu kéo mảnh xương gặp khó khăn vì không xác định được vị trí và hình dạng như thế nào nên tôi phải thăm dò trước, xem vị trí nào dễ kéo, vị trí nào đang cố định cắm chặt vào thành phế quản. Do đó, tôi phải vừa gắp đầu và vừa gắp chân tách xương ra khỏi thành phế quản và mô hạt mới kéo ra thành công” - BS Vân Thanh kể lại.

Theo BS Vân Thanh, mảnh xương heo khá to, dài khoảng 5-7 cm. Trong 22 năm kinh nghiệm làm nghề, đây là lần đầu tiên chị gặp một trường hợp dị vật rất to mà bị bỏ quên trong phổi lâu đến như thế. Không như các dị vật gây tắc đường thở thường được phát hiện sớm, các dị vật không gây tắc nghẽn nhiều thường hay bị bỏ quên và về lâu dài, gặp di chứng do tắc nghẽn.

BS Vân Thanh khuyến cáo người dân khi ăn uống cần tránh cười nói, húp súp hầm xương nên cẩn thận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm