Vụ bắt cóc hơn 200 thiếu nữ nhằm phản đối việc áp dụng chính sách giáo dục của phương tây cho phụ nữ ở Nigeria đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram đã đứng ra nhận trách nhiệm đứng sau vụ này, mục đích của họ là ngăn cản những cô gái này đến trường, thay vào đó là hãy kết hôn và thực hiện thiên chức của người phụ nữ.
Hành động này đã khiến cho người dân trong nước vô cùng hoảng sợ, đặc biệt là các cô gái trẻ. Hiện các nước Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp đã giúp giải cứu 53 nữ sinh trong số 200 cô gái nhưng vẫn còn rất nhiều người còn chưa rõ tung tích.
Tổng thống Nigeria, ông Goodluck Jonathan cho biết ông tin rằng các nữ sinh hiện vẫn ở trong biên giới đất nước mình chứ chưa bị đưa qua nước láng giềng Cameroon.
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và thông điệp của bà. Ảnh : BBC
Bà Obama là người phụ nữ có vai trò chính trị lớn đầu tiên trên thế giới lên tiếng về vụ việc này và biểu hiện thái độ gay gắt đối với hành động thái quá của nhóm Hồi giáo cực đoan. Bà mong muốn hành động của mình có thể giúp cho những người phụ nữ trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ ở các nước Hồi giáo có thêm lòng tin và can đảm để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Đó là quyền được hưởng những thành quả của nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, để tự giải phóng mình khỏi gánh nặng của những quy định cực đoan vẫn còn tồn tại ở nhiều nước.
Song song với đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang bàn thảo kế hoạch hành động cần thiết để trừng phạt nhóm Boko Haram. Tất nhiên, Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc, với đại diện là bà Obama, nước này cũng sẽ có những biện pháp thích hợp.
Một nhóm nhỏ chuyên gia Anh và Mỹ đã đến Nigeria để hỗ trợ công tác giải cứu các nạn nhân của chính phủ. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc sẽ yêu cầu được điều máy bay do thám đến Nigeria .
Tuy nhiên, Cao ủy Anh Andrew Pocock phát biểu với đài BBC ngày hôm nay: "Do thám trên trời không hẳn thích hợp trong trường hợp này vì điều kiện địa hình, rừng núi phức tạp ở Nigeria. Cách làm tốt hơn là thu thập tin tức tình báo và sự phối hợp hết mình của chính phủ Nigeria”.
Bản đồ vị trí thành phố Chibok-nơi các cô gái bị bắt cóc. Ảnh BBC
Nhóm Boko Haram đã bắt đầu tổ chức những cuộc nổi dậy của họ từ năm 2009. Tính trong năm 2014, đã có khoảng 1200 người chết trong các cuộc xung đột, bảo lực ở Nigeria.
An Khương