22 Chủ tịch HĐND cấp tỉnh đang là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ

Sáng 21-2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, các tỉnh, thành đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

“Chỉ có duy nhất HĐND tỉnh Bình Thuận phải lùi thời gian tổ chức kỳ họp thứ nhất do dịch bệnh”- bà Thanh cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ảnh: DOÃN TẤN

Tại kỳ họp này, nhiều địa phương ngoài việc xem xét các nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ còn xem xét, quyết định một số giải pháp phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trận tự an toàn xã hội của địa phương.

Phương thức tổ chức kỳ họp cũng thích ứng, linh hoạt với điều kiện mới, nhiều địa phương đã làm việc khẩn trương, làm việc ngoài giờ để rút ngắn thời gian nhưng chất lượng được bảo đảm, hiệu quả được nâng lên.

Kết quả cho thấy HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND (gồm 63 Chủ tịch, 114 Phó Chủ tịch); thành lập 227 Ban.

Trong số 63 Chủ tịch HĐND có 22 nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, gồm Chủ tịch HĐND các tỉnh, TP Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: DOÃN TẤN

34 Chủ tịch HĐND là Phó Bí thư tỉnh, thành ủy, gồm hai Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (Bình Thuận, Đà Nẵng); bảy nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, trong đó có một Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là  Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk; chín Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách và 54 người hoạt động kiêm nhiệm.

Trong số 114 Phó Chủ tịch HĐND có 56 người là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, 58 người là Tỉnh ủy viên; tất cả đều là Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách.

Cũng theo bà Thanh, hiện còn ba tỉnh thiếu một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách gồm các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Ninh Thuận và Tiền Giang.

HĐND cấp tỉnh đã thành lập 227 Ban, trong đó có 25 tỉnh thành lập ba Ban; 38 tỉnh, thành phố thành lập bốn Ban (trong đó 33 tỉnh có Ban Dân tộc, năm thành phố có Ban Đô thị) theo đúng quy định của pháp luật.

Về quy trình thành lập Ban, có tỉnh ban hành Nghị quyết để thành lập cả bốn Ban, có tỉnh chỉ ban hành Nghị quyết khi thành lập Ban mới. Hà Nội, TP.HCM mỗi Ban đều bố trí một Ủy viên hoạt động chuyên trách theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngay sau kỳ họp thứ nhất, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã hoàn thiện các biên bản, nghị quyết, báo cáo và hồ sơ kỳ họp thứ nhất HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND. Nhiều Thường trực HĐND cấp tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Bộ Nội vụ mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND địa phương.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều địa phương trang bị máy tính bảng, máy tính xách tay tới 100% các đại biểu HĐND cấp tỉnh; xây dựng phần mềm “hệ thống quản lý văn bản HĐND tỉnh”; cung cấp thông tin hỗ trợ kỳ họp trên thiết bị di động, thực hiện biểu quyết trên máy tính bảng…

Đối với cấp huyện một số nơi cũng được cung cấp, trang bị tương tự như cấp tỉnh, còn lại hầu hết các đại biểu HĐND được trang bị máy tính bàn để tiếp nhận thông tin qua hộp thư công vụ, đối với cấp xã hầu hết Thường trực HĐND được trang bị máy tính để bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới