220 km đường sắt đô thị: Áp lực nhưng không thể không làm

TĂNG TỐC THỰC HIỆN HỆ THỐNG ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ TP.HCM - BÀI 2

220 km đường sắt đô thị: Áp lực nhưng không thể không làm

(PLO)- “12 năm tới, TP.HCM cần hoàn thành 220 km đường sắt đô thị, tuy áp lực song TP buộc phải quyết liệt triển khai” - ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nói.

Làm thế nào để TP.HCM hiện thực hóa hơn 220 km đường sắt đô thị (ĐSĐT) theo đúng quy hoạch, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban quản lý ĐSĐT TP.HCM (MAUR).

P9-Bai2-daotrang-metro-h1-thylan.jpg
Mới đây, tuyến metro số 1 đã chạy thử nghiệm toàn tuyến từ ga trung tâm Bến Thành - ga Suối Tiên với chiều dài khoảng 20 km. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Kỳ vọng lớn vào hệ thống đường sắt đô thị

. Phóng viên: Thưa ông, hiện nay TP đang bước vào giai đoạn tăng tốc cho tuyến metro số 1, vậy từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ có những tuyến nào?

Nguyen-Quoc-Hien.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hiển.

+ Ông Nguyễn Quốc Hiển: Từ nay tới năm 2025, MAUR sẽ triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ quan trọng để hoàn thiện hệ thống ĐSĐT TP.HCM và các bước chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ chính thức đưa vào vận hành khai thác thương mại vào năm 2024. Dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và triển khai thi công các gói thầu chính của dự án.

Bên cạnh đó, MAUR sẽ triển khai nhiều nhóm công việc để hoàn thiện các bước thủ tục đầu tư cho hàng loạt dự án. Bao gồm dự án tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); dự án tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án đầu tư. Đối với những tuyến đường sắt còn lại, chúng tôi kỳ vọng sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo cách tiếp cận mới, phương thức và cách làm mới để thúc đẩy thật nhanh tiến độ thực hiện.

. Ông kỳ vọng ra sao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ giải quyết tình trạng giao thông ùn ứ hiện nay?

+ Tất cả TP giàu có trên thế giới đều có hệ thống giao thông ĐSĐT phát triển, đặc biệt là các nước ở châu Á và châu Âu, nơi mật độ dân cư ở đô thị thường rất cao. Có thể nói rằng mạng lưới ĐSĐT vừa là bộ khung tạo nên cấu trúc bền vững cho phát triển đô thị, vừa là hệ động mạch chủ đảm bảo dòng vận tải hành khách được thông suốt. Quy hoạch phát triển đô thị cần phải được gắn liền và tích hợp với bộ khung và hệ động mạch chủ này.

IMG_3826.jpeg
Hành khách trải nghiệm chạy thử toàn tuyến metro số 1. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Khi phát triển được hệ thống ĐSĐT, TP.HCM sẽ giải quyết được tận gốc và căn cơ những thách thức đặt ra đối với giao thông đô thị như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… Từ đó góp phần hạn chế và tiến tới mục tiêu không còn sử dụng xe máy trong nội đô, đây cũng là xu hướng chung ở các đô thị hiện đại trên thế giới.

“Chúng tôi coi đây vừa là mục tiêu cần phải hướng đến và cũng là “giấc mơ lớn” mà những người làm metro cần phải hiện thực hóa.”

Quyết tâm làm 220 km trong 12 năm

. Vấn đề nguồn vốn đầu tư lâu nay vẫn thiếu, đó cũng chính là lý do khiến các dự án chậm được triển khai, vậy thời gian tới TP.HCM sẽ có giải pháp chiến lược ra sao?

+ Theo ước tính, tổng vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống ĐSĐT tại TP.HCM là hơn 25 tỉ USD, chưa tính đến chi phí vận hành khai thác. Hiện nay, nguồn lực tài chính chủ yếu là từ nguồn vốn vay ODA như tuyến ĐSĐT số 1, tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến ĐSĐT số 5 giai đoạn 1.

Tuy nhiên, việc đầu tư bằng nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn do trình tự, thủ tục phức tạp, điều kiện vay ràng buộc nhiều bất lợi, suất đầu tư cao, phụ thuộc vào thiết kế, công nghệ… TP.HCM hiện nay đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ.

IMG_3824.jpeg

Vì vậy, giải pháp chiến lược trong thời gian tới là phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính. Theo đó, tài chính làm ĐSĐT ngoài vốn ODA như truyền thống sẽ bao gồm ngân sách nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng; nguồn tài chính từ việc tổ chức khai thác quỹ đất theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), diện tích xung quanh các nhà ga; huy động vốn vay thương mại từ các tổ chức, ngân hàng trong và ngoài nước hay phát hành trái phiếu trong và ngoài nước...

. Vậy đến khi nào TP.HCM mới hoàn thành 220 km ĐSĐT để đáp ứng một siêu đô thị như TP.HCM, thưa ông?

+ Kết luận số 49/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TP.HCM vào năm 2035. Như vậy, TP.HCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới ĐSĐT còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm.

Chúng tôi coi đây vừa là mục tiêu cần phải hướng đến và cũng là “giấc mơ lớn” mà những người làm metro cần phải hiện thực hóa. Đây là một thách thức vô cùng to lớn đối với các cấp ủy Đảng, các ban ngành của TP, trong đó có MAUR ở vai trò thường trực.

Nếu chúng ta tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong những năm vừa qua thì không thể nào thực hiện được mục tiêu tại Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Do đó, ngoài ý chí quyết tâm chính trị quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ thì cách tiếp cận để thực thi công việc cũng phải thay đổi hoàn toàn và thực tế để có thể hoàn thành mạng lưới ĐSĐT tại TP.HCM vào năm 2035.

IMG_3822.jpeg
Biểu tượng đóa hoa sen khổng lồ của ga Trung tâm Bến Thành đã hoàn thành. Ảnh: ĐÀO TRANG

Một số lĩnh vực trọng yếu cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể như: cập nhật quy hoạch mạng lưới tạo ra không gian phát triển mới, thay đổi phương thức thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; đa dạng hóa nguồn lực tài chính, đặc biệt là bám sát các giải pháp có trong Nghị quyết 98 của Quốc hội; rút gọn thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; cải tiến giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị và hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

. Xin cảm ơn ông.•

Sẽ thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị

Mới đây, MAUR đã kiến nghị UBND TP thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển hệ thống ĐSĐT TP theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.

Tổ công tác dự kiến do ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, làm tổ trưởng. Các tổ phó gồm: Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP (Tổ phó thường trực), ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban phụ trách MAUR và bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC); 14 thành viên còn lại là lãnh đạo các cơ quan, sở, ban ngành có liên quan.

Tổ công tác này sẽ làm việc về năm lĩnh vực trọng yếu nhất cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lộ trình thực hiện cho hệ thống ĐSĐT.

Đọc thêm